Tuy Phước vào mùa đúc chậu kiểng
Hiện nay, các cơ sở làm chậu kiểng đang tất bật sản xuất để kịp cung ứng ra thị trường phục vụ người trồng hoa, chơi hoa dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tại huyện Tuy Phước, có hơn 20 hộ còn duy trì nghề làm chậu kiểng, giúp nhiều người có thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Đình Thập (43 tuổi, ở khu phố Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước), chủ cơ sở chậu kiểng Hai Bé, gắn bó với nghề đúc chậu được hơn 6 năm, cho biết: “Nghề này sản xuất quanh năm, nhưng khoảng cuối tháng 9 âm lịch là thời điểm khách hàng mua nhiều nhất. Chậu làm chủ yếu cung cấp cho các nhà vườn trồng hoa, cây kiểng phục vụ Tết. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi người một việc, người ráp khuôn, người trộn nguyên liệu, người mài giũa thành phẩm. Mỗi thợ đều phải nắm rõ quy trình để cho ra sản phẩm chất lượng nhất”.
Ông Nguyễn Đình Thập đang sơn bóng cho chậu kiểng đá mài. Ảnh: TÀI NGÂN
Hiện nay, cơ sở của nhà ông Thập sản xuất nhiều mẫu chậu với kích thước khác nhau. Giá bán dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/chậu loại trơn đơn giản để cung cấp cho nhà vườn. Còn các loại chậu kiểng có kích thước lớn, chạm khắc hoa văn cầu kỳ có giá dao động từ 400 - 700 nghìn đồng/chậu.
“Trước đây thu nhập từ nghề này cao hơn, còn nay giá cát, xi măng tăng mà giá sản phẩm vẫn giữ nguyên nên lợi nhuận cũng giảm nhiều. Vào những tháng cuối năm, mưa gió nhiều nên việc cho ra thành phẩm cũng tốn nhiều thời gian hơn”, ông Thập tâm sự.
Ngày nay, nhu cầu về mẫu mã, kiểu dáng ngày càng cao, nên người thợ phải nâng cao tay nghề, cho ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. “Bên cạnh những loại chậu kiểng được đúc bằng xi măng, khách hàng còn ưa chuộng các loại chậu kiểng đá mài. Vì vậy, cơ sở của tôi tập trung sản xuất mạnh 2 mặt hàng này với đa dạng mẫu mã, hình dáng như các loại chậu vuông, lục giác, chậu mi ni...”, anh Lê Lâm, chủ cơ sở sản xuất chậu kiểng ở xã Phước Hòa, cho biết.
Tại những cơ sở làm chậu kiểng quy mô lớn, sản xuất số lượng từ 100 - 150 chậu/tháng đều có 4 - 6 nhân công làm việc. Với 5 năm làm nghề sản xuất chậu kiểng, bà Trần Thị Loan (40 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước) đã có thị trường khá ổn định. Hiện tại, cơ sở của bà Loan có 5 nhân công để thực hiện các công đoạn, thu nhập bình quân của mỗi người từ 250 - 300 nghìn đồng/ngày.
Anh Nguyễn Văn Tiến, người lao động tại cơ sở sản xuất chậu kiểng của bà Loan, chia sẻ: “Tôi làm nghề này đã được hơn 2 năm, quá trình học nghề không quá khó, chỉ từ 1 - 2 tháng là có thể chắc tay, làm ra sản phẩm hoàn chỉnh. Có tay nghề và chăm chỉ thì sẽ có thu nhập khá hơn”.
TÀI NGÂN