Thoát nghèo hiệu quả nhờ chăn nuôi, sản xuất
Biết cách sử dụng hiệu quả tín dụng chính sách, áp dụng tốt các tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, ông Đặng Mậu Quân (44 tuổi, ở thôn Trà Cong, xã An Hòa, huyện An Lão) đã thành công với việc nuôi dê thương phẩm, phát triển rừng trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thoát nghèo hiệu quả.
Ông Quân chia sẻ, sau khi lập gia đình, cuộc sống ngày một khó khăn vì không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2020, qua sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Chi hội nông dân thôn Trà Cong, ông vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện An Lão để mua 6 con dê cái giống về nuôi.
Ông Đặng Mậu Quân (bên trái) đã khá lên từ nghề nuôi dê. Ảnh: T.C
Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, nên việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Song với tinh thần cần cù, quyết tâm vượt khó vươn lên, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi dê từ sách, báo để áp dụng và mang lại hiệu quả. Không dừng lại ở đó, ông luôn tìm kiếm thị trường tiêu thụ để tránh bị thương lái ép giá, đưa việc chăn nuôi dê phát triển bền vững.
Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi dê, từ 6 con dê giống ban đầu ông Quân đã phát triển đàn lên đến 80 con lớn, nhỏ. Mỗi năm ông xuất bán trung bình từ 2 - 3 lứa với 200 con dê thịt, với giá bán dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg; bán 100 con dê giống, với giá 4 triệu đồng/con, lãi trên 700 triệu đồng/năm.
Đem tích lũy từ việc nuôi dê và vay thêm từ Ngân hàng CSXH, ông Quân trồng 10 ha keo, mở cơ sở bán cây keo giống, sắm máy cày và 2 xe tải phục vụ chở hàng, chở keo cho người dân trong huyện. Riêng những khoản này còn đem lại khoản lãi gần 400 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, từ một hộ nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, ông Quân đã có cuộc sống ổn định, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, mua sắm các thiết bị nghe nhìn hiện đại, cho con đến trường đầy đủ, thoát nghèo bền vững.
TRIỀU CHÂU