Tìm đầu ra ổn định cho nông sản
Trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh nhiều lần làm việc với DN, HTX, nông dân nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông sản, đặc biệt là tìm đầu ra ổn định. Với nỗ lực của tỉnh cùng các sở, ngành liên quan, người nông dân dần nâng cao nhận thức, đầu tư nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để đầu ra thuận lợi.
Thay đổi tư duy sản xuất
Hiện nay, diện tích trồng ớt toàn tỉnh hơn 2.333 ha, trong đó gần 1.435 ha trồng ở huyện Phù Mỹ và hơn 538 ha ở huyện Phù Cát. Đa số nông dân bán ớt cho thương lái và giá cả phụ thuộc thị trường. Năm 2023, giá ớt chỉ địa suốt vụ dao động 25.000 - 35.000 đồng/kg, còn ớt chỉ thiên có lúc tăng đến 50.000 đồng/kg, nhưng năm 2024, giá ớt chỉ địa chỉ còn 2.000 - 4.500 đồng/kg, ớt chỉ thiên chỉ ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg.
Đoàn công tác của Sở Công Thương làm việc với Công ty chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia về chuỗi liên kết tiêu thụ ớt cho nông dân. Ảnh: HẢI YẾN
Trong khi giá ớt rớt thê thảm, 60 hộ nông dân trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát) vẫn bán được sản phẩm với mức giá cao. Ông Trần Quang Thành, ở xã Cát Tài, chia sẻ: Lúc đầu tham gia trồng ớt theo mô hình mới, nhiều hộ vẫn còn băn khoăn bởi giá ớt trên thị trường rất cao. Đến đầu năm 2024, giá ớt “rẻ như cho” nhưng chúng tôi vẫn được Công ty chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (ở CCN Đại Thành, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) thu mua với giá cao gấp 3 lần giá thị trường. Hiện nay, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ vốn, mở rộng diện tích trồng và ký kết tiêu thụ sản phẩm ớt với công ty.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Trong năm 2024, huyện tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất theo yêu cầu của DN, vừa đảm bảo sức khỏe, giá trị của sản phẩm cũng được tăng thêm và ổn định đầu ra. Bên cạnh đó, kết nối các hộ nông dân với DN để đảm bảo đầu ra nông sản ổn định. Không chỉ cây ớt, huyện Phù Cát đang phát triển các chuỗi liên kết 100 ha trồng dừa xiêm theo hướng hữu cơ.
Trong bối cảnh giá cả trên thị trường thay đổi không ngừng, việc tìm kiếm một mô hình kinh doanh ổn định và bền vững là mục tiêu hàng đầu của nông dân và DN. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn), chia sẻ: Từ năm 2011, chúng tôi trồng 4 ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, với 65 hộ tham gia. Đến nay, có 224 hộ tham gia với hơn 19 ha. Trung bình hằng năm HTX cung cấp 70 - 78 tấn rau cho các siêu thị trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Từ khi chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, các hộ dân đã mạnh dạn trồng nhiều giống mới, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng như: Cải thìa, súp lơ vàng, cải bó xôi, cải bẹ nhúng…
Hỗ trợ DN xây dựng nhà máy chế biến nông sản
Để khắc phục tình trạng nông sản được mùa lại khó tiêu thụ, Sở Công Thương xây dựng 4 mô hình hỗ trợ tại các địa phương gồm: Xây dựng chuỗi giá trị từ người sản xuất, thu mua đến chế biến sâu; hộ nông dân bán nông sản trực tiếp cho các DN trong tỉnh; hộ nông dân bán nông sản cho thương lái; hộ nông dân bán nông sản trên các kênh thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Các mô hình có ưu điểm là tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững. Nông dân được chuyển giao kỹ thuật, sản xuất theo yêu cầu, tuân thủ các quy chuẩn để có nông sản chất lượng, hình thành các vùng liên kết trồng, chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, mô hình này còn hạn chế do một số nông dân nhận thức kém, phá vỡ cam kết liên kết chuỗi. Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân về thương mại điện tử, thực hành bán nông sản trên các kênh thương mại điện tử để nâng cao kiến thức, học hỏi quy trình sản xuất chất lượng…
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 2.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm thủy sản; số cơ sở đăng ký kinh doanh đạt 47%, số cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, VietGAHP, HACCP, GMP, SSOP…) chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 3,3%.
Tại các buổi làm việc liên quan đến vấn đề tìm giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn vào tháng 4 và tháng 10.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các sở, ngành liên quan tháo gỡ và tìm phương án liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, UBND tỉnh trực tiếp thu hút DN đầu tư nhà máy sản xuất mặt hàng nông sản ở Tây Sơn, Phù Mỹ…
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinanutrifood Bình Định, cho biết: Năm 2025, Nhà máy sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung của Công ty CP Vinanutrifood Bình Định đi vào hoạt động, mỗi năm cần hơn 5.550 tấn ớt nguyên liệu. Bên cạnh đó, Nhà máy cần thêm nguyên liệu dừa uống nước (20.000 trái/ngày), dừa sọ (30.000 trái/ngày) và dừa cùi (20.000 trái/ngày)... Do đó, chúng tôi cần vùng nguyên liệu đủ lớn và sản phẩm đạt chất lượng để thuận lợi trong hoạt động sản xuất.
Với nỗ lực của UBND tỉnh và sở, ngành liên quan, nông sản Bình Định có thêm nhiều kênh để tiêu thụ, vấn đề còn lại là người dân, HTX phải đảm bảo quy trình sản xuất để cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
HẢI YẾN