Quản lý tình trạng khai “hai giá” bất động sản để né thuế
Năm 2024, Cục Thuế tỉnh quán triệt và thực hiện công tác quản lý, thu thuế hoạt động kinh doanh bất động sản theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”. Cách làm này vừa không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục hành chính của người dân, vừa đảm bảo thu đúng, thu đủ và chống thất thu thuế hiệu quả.
Cảnh báo, giúp người nộp thuế tự sửa sai
Theo quy định hiện hành, cá nhân phải nộp thuế thu nhập bằng 2% giá trị chuyển nhượng bất động sản (BĐS), DN nộp 20% trên thu nhập. Tuy nhiên, trên thực tế khi làm thủ tục chuyển nhượng BĐS, có nhiều trường hợp bên bán và bên mua thỏa thuận khai giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế, nhằm né thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
Công chức Cục Thuế tỉnh thông tin đến NNT bảng tham chiếu giá chuyển nhượng BĐS. Ảnh: T.SỸ
Hành vi mua bán “hai giá” làm thất thu tiền thuế, gây nên sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài việc bị xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực thuế và bị truy thu thuế, khi cơ quan thuế công khai nội dung sai phạm, cả người bán và người mua đều chịu nhiều thiệt hại.
Với phương châm phục vụ người nộp thuế (NNT), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh trên lĩnh vực BĐS, đồng thời để NNT tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế, Cục Thuế tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chống thất thu thuế đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS; đồng thời thực hiện công tác quản lý, thu thuế đối với hoạt động này theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”.
Theo đó, ngành Thuế tỉnh công bố bảng tham chiếu giá chuyển nhượng BĐS, kết nối liên thông với nhiều ngành và địa phương, làm cơ sở để các đơn vị có thể quản lý, kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo giúp NNT tránh những sai phạm không đáng có, kê khai đúng và tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu nhận thấy hồ sơ khai giá chuyển nhượng BĐS chưa phù hợp, cơ quan thuế ban hành văn bản yêu cầu cả bên mua và bên bán tự điều chỉnh. Trường hợp NNT không kê khai bổ sung, cơ quan thuế phối hợp với ngành chức năng thực hiện biện pháp hậu kiểm, mời NNT đến cơ quan thuế giải trình, từ đó có cách xử lý theo từng mức độ khác nhau.
Hiệu quả tích cực
Giải pháp nói trên đã được Cục Thuế tỉnh quán triệt và triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.
Tại TP Quy Nhơn - địa phương có hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS sôi động nhất tỉnh, Chi cục Thuế TP Quy Nhơn đã phân tích những nguy cơ dễ dẫn đến sai phạm, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về các hình thức, mức độ xử lý sai phạm đối với từng hành vi mua bán, chuyển nhượng BĐS. Cùng với đó là tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kê khai đúng và đủ khoản thuế phải nộp theo quy định. Mặt khác, Chi cục Thuế tham mưu cho UBND TP Quy Nhơn ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và văn phòng công chứng cùng với cơ quan thuế triển khai các biện pháp chống thất thu đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS.
Nhờ đó, 10 tháng đầu năm 2024, có 2.976 hồ sơ chuyển nhượng BĐS đã được NNT điều chỉnh tăng giá so với bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất của UBND tỉnh ban hành, với số tiền thuế phải nộp là hơn 74,452 tỷ đồng. Chi cục cũng đã tiến hành hậu kiểm 226 hồ sơ mua bán, chuyển nhượng BĐS, trong đó có 104 hồ sơ điều chỉnh thuế phải nộp tăng thêm hơn 1,117 tỷ đồng; số hồ sơ còn lại đã được NNT giải trình hợp lý.
Ông Phạm Minh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn, cho biết: So với cùng kỳ năm trước, số lượng hồ sơ phải hậu kiểm giảm mạnh, đặc biệt là không có trường hợp nào buộc cơ quan thuế phải hoàn thiện hồ sơ, gửi đến cơ quan CA để điều tra, làm rõ hành vi trốn thuế. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật trên lĩnh vực thuế đạt hiệu quả, ý thức trách nhiệm của NNT ngày càng cao.
Theo Cục Thuế tỉnh, công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” cũng được chi cục thuế tại các địa phương thực hiện nghiêm túc. 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xác định 2.184 hồ sơ mua bán, chuyển nhượng BĐS có chênh lệch tăng 215,5 tỷ đồng so với bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất của UBND tỉnh ban hành; số tiền tăng thu thông qua công tác tiền phòng là 15,2 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh cũng đã phân loại 79 hồ sơ có rủi ro để tổ chức hậu kiểm, nhưng không có hồ sơ phải chuyển tin báo tội phạm sang cơ quan điều tra.
Ông Trần Hữu Danh, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho hay: Công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” vừa không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục hành chính của người dân, vừa chống thất thu thuế hiệu quả. Vì thế, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, đảm bảo không gây ách tắc về giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh tình hình kê khai, nộp thuế và kịp thời xử lý các trường hợp trốn thuế đối với hoạt động này.
PHẠM TIẾN SỸ