Tổ chức Tài chính Quốc tế rót vốn kỷ lục hỗ trợ chuyển đổi xanh tại Việt Nam
Các chương trình đầu tư và tư vấn của IFC hướng đến giải quyết các thách thức phát triển cốt lõi, từ an ninh lương thực, tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất.
IFC đã trực tiếp cam kết 310 triệu USD từ nguồn vốn riêng cho đầu tư dài hạn. (Ảnh minh họa/Vietnam+)
Ngày 15.11, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa thông tin cho biết khoản đầu tư kỷ lục vào Việt Nam trong năm tài khóa 2024, tập trung vào tài chính khí hậu, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tổng vốn cam kết mới sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.
Cụ thể, trong năm tài khóa kết thúc ngày 30.6, tổng vốn cam kết của IFC tại Việt Nam đạt hơn 1,6 tỷ USD, bao gồm hơn 750 triệu USD đầu tư dài hạn. Trong đó, IFC đã trực tiếp cam kết 310 triệu USD từ nguồn vốn riêng cho đầu tư dài hạn. Đây là mức kỷ lục của IFC dành cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đồng thời là mức cao nhất tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm tài khóa này.
Các chương trình đầu tư và tư vấn của IFC tại Việt Nam cũng hướng đến giải quyết các thách thức phát triển cốt lõi, từ an ninh lương thực, tạo thuận lợi thương mại đến nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất. Trong đó, IFC đã cung cấp 896 triệu USD vốn ngắn hạn cho tài trợ thương mại và chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thúc đẩy giao thương, tăng trưởng sản xuất và tạo việc làm.
Ngoài ra, IFC đã hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm trái phiếu xanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), góp phần thúc đẩy kinh tế biển bền vững và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. SeABank cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh với sự hỗ trợ của IFC. Bên cạnh đó, IFC cũng đã kết nối thành công khoản đầu tư 75 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) vào trái phiếu xanh của SeABank.
Mặt khác, IFC còn xúc tiến phát hành trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) và công ty con là Công ty cổ phần Thanh Xuân phát hành, nhằm thúc đẩy du lịch bền vững. Bên cạnh đầu tư tài chính, IFC hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp xây dựng khung tài chính bền vững, tạo nền tảng mở rộng đầu tư vào khí hậu.
Để thúc đẩy “xanh hóa” ngành ngân hàng, IFC đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định quản lý rủi ro môi trường, tạo sân chơi bình đẳng và giúp các ngân hàng nội địa tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến môi trường và khí hậu. IFC cho biết cũng đang hợp tác với các đối tác phát triển xây dựng hệ thống phân loại xanh cho Việt Nam.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, khẳng định IFC sẵn sàng giới thiệu các công cụ tài chính khí hậu tiên tiến, tạo kênh huy động vốn mới cho các dự án thông minh về khí hậu.
“Khoản tài trợ của IFC là tín hiệu tích cực cho tiềm năng phát triển của thị trường tài chính khí hậu tại Việt Nam, khuyến khích các ngân hàng khai thác phân khúc mới này đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất gắn kết lợi ích với đầu tư có trách nhiệm và huy động vốn từ các thị trường vốn bền vững, hỗ trợ mô hình tăng trưởng carbon thấp”, ông Jacobs chia sẻ.
Ngoài hoạt động tài chính, IFC còn tư vấn cho doanh nghiệp nông nghiệp về canh tác lúa bền vững và các nhà sản xuất về áp dụng giải pháp xanh trong ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon. Với sự hỗ trợ của IFC, dự thảo nghị định sửa đổi về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon dự kiến sẽ sớm được ban hành. Trọng tâm cũng được đặt vào việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi và tạo điều kiện cho các công ty chăn nuôi tham gia thị trường carbon.
Theo IFC, tổ chức này đã hợp tác với Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai chương trình tài trợ chuỗi cung ứng trị giá 30 triệu USD, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê. Cùng với đó, IFC và Tập đoàn Tài chính Welcome cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 60 triệu USD, hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu, giải phóng vốn cho vay mới và giúp người vay khôi phục uy tín tín dụng.
“Khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững khi Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập cao. Chương trình đầu tư mạnh mẽ của IFC trong năm tài khóa vừa qua thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế thích ứng và xanh hơn, vượt qua các thách thức trong nước và quốc tế”, ông Jacobs nhấn mạnh.
Trong năm tài khóa 2024, IFC đã cam kết 12,2 tỷ USD cho 123 dự án tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án của IFC đã tạo ra tác động đáng kể, góp phần giải quyết các thách thức phát triển cấp bách, bao gồm biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, mất an ninh lương thực và tài chính toàn diện đồng thời tạo việc làm và cải thiện dịch vụ.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)