• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo
  • Báo in
  • Podcasts
Chủ Nhật, 11/05/2025, 04:12 (GMT+7) EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể|Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng|Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng|
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
Giải đua thuyền máy UIM F1H2O|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Bình Định - Đất và Người|Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Văn hóa - Nghệ thuật
Thứ Tư, 20/11/2024, 22:32 (GMT+7)

“Ðánh thức” bảo vật quốc gia

Từ năm 2015 - 2024, qua các đợt công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Ðịnh vinh dự có 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc Champa. Việc “đánh thức” các bảo vật quốc gia để tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa vô giá này để phát triển du lịch là hết sức cần thiết.

Nằm giữa dải đất miền Trung, Bình Định là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa cổ xưa. Trong gần 5 thế kỷ (từ thế kỷ XI đến nửa sau thế kỷ XV) vùng đất Bình Định là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa. Nơi đây đã để lại nhiều dấu ấn kiến trúc tôn giáo còn hiện hữu với 8 cụm/14 tháp Chăm và hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa. Mỗi hiện vật Champa ẩn chứa một vẻ đẹp riêng, độc đáo, hấp dẫn.

Những bảo vật vô giá

Trong số 13 bảo vật quốc gia, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, trưng bày 8 bảo vật quốc gia: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu thần Brahma, niên đại cuối thế kỷ XII; cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ XII - XIV; phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ XII; cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế), niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII. Còn 5 bảo vật quốc gia, gồm: Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn niên đại nửa sau thế kỷ XII - nằm trong khuôn viên thành Đồ Bàn, ở xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn); cặp tượng Hộ pháp, niên đại thế kỷ XII - XIII, tại chùa Nhạn Sơn, ở xã Nhơn Hậu; tượng thần Shiva, niên đại thế kỷ XV, tại chùa Linh Sơn, ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn).

Cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia ngày 18.1.2024.  Ảnh: NGỌC NHUẬN

Riêng cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào ngày 18.1.2024. Cặp tượng sư tử này được phát hiện năm 1992, tại khu vực Bả Canh (phường Đập Đá, TX An Nhơn) gần tháp Cánh Tiên, thuộc phạm vi thành Đồ Bàn, trong một hố chôn có cặp tượng sư tử cùng tượng Gajashimha (con vật đầu voi, mình sư tử). Theo các nhà nghiên cứu, cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn được tạo tác mang những nét cơ bản của phong cách Trà Kiệu, nhưng cũng bắt đầu có những đặc điểm của phong cách tháp Mẫm (còn gọi là phong cách Bình Định). Đến nay, cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Trải qua hàng thế kỷ, những tác phẩm điêu khắc Champa không chỉ là biểu tượng của văn hóa Champa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… Đây không chỉ là niềm tự hào của Bình Định mà còn là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc đa sắc màu, giàu sức sống trong dòng chảy văn hóa Việt Nam”.

Phát huy giá trị bảo vật

Cùng với việc trưng bày, quảng bá 8 bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại bảo tàng, Bảo tàng tỉnh còn hướng dẫn các chùa, cơ quan liên quan, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp giữ gìn, bảo quản, quảng bá giá trị các bảo vật quốc gia tới công chúng trong và ngoài nước.

Theo ông Bùi Tĩnh, Bảo tàng tỉnh đã in 400 đầu sách Bảo vật quốc gia tại Bình Định song ngữ Việt - Anh kèm hình ảnh minh họa sinh động để kể những câu chuyện liên quan đến từng bảo vật quốc gia. Ngoài ra, gắn mã QR trên 8 bảo vật quốc gia tại bảo tàng, sau đó sẽ làm thêm mã QR cho 5 bảo vật quốc gia còn lại.

Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn tham quan tìm hiểu bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Một điều rất vinh dự là bảo vật quốc gia phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma từng được Bảo tàng Nghệ thuật Vienna (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Brussels (Bỉ) chọn đưa đi xuất ngoại trưng bày với chủ đề “Việt Nam - quá khứ và hiện tại” để bạn bè quốc tế cùng thưởng lãm vào năm 2003.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ: “Hầu hết 13 bảo vật quốc gia tại Bình Định đều mang phong cách tháp Mẫm. Đặc trưng phong cách tháp Mẫm là thể hiện hình khối căng, to khỏe làm chủ đạo. Sự nhấn mạnh về khối trang trí kết hợp với sự thiếu hợp lý trong thể hiện chi tiết đã khiến các tác phẩm thời kỳ này đẹp khỏe mạnh, nhưng trông dữ tợn, kém mềm mại, mang nặng tính biểu tượng nghệ thuật thể hiện. Phong cách tháp Mẫm khá phong phú và độc đáo, là phong cách cuối cùng lớn nhất của nền điêu khắc Champa”.

Để “đánh thức” giá trị các bảo vật quốc gia và khai thác “kho báu” di sản văn hóa Champa phong phú, đa dạng của Bình Định trong phát triển du lịch văn hóa, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL về những giải pháp quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia gắn với việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn phát triển du lịch văn hóa của tỉnh. Việc thực hiện phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học, chuyên gia về bảo quản bảo vật quốc gia. Đặc biệt, cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn hiện nằm ngoài trời, chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh phương án bảo vệ sao cho hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bảo vật, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ để phục vụ công chúng tham quan”.

Sáng 21.11, tại Bảo tàng tỉnh, Sở VH&TT tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tại Bình Định. Dịp này, đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn; Bảo tàng tỉnh báo cáo về bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh, chiếu phim giới thiệu các bảo vật quốc gia, ra mắt sách Bảo vật quốc gia tại Bình Định, đưa đại biểu tham quan các điểm di tích có bảo vật quốc gia.

ĐOÀN NGỌC NHUẬN

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
UNESCO nâng mức bảo vệ 34 di sản vì cuộc chiến Israel - Hezbollah  (20/11/2024)  
Nỗ lực đưa văn học, nghệ thuật địa phương vào trường học  (18/11/2024)  
Tây Sơn trao thưởng Chương trình phát thanh cơ sở năm 2024  (17/11/2024)  
Bảo tồn và phát huy những vũ khúc xưa  (16/11/2024)  
Suốt đời tôi không dám quên!  (16/11/2024)  
Một vẻ đẹp bị lãng quên  (16/11/2024)  
Văn nghệ sĩ Bình Định giao lưu với giáo viên, học sinh Trường THPT Hòa Bình  (16/11/2024)  
Chi hội nhiếp ảnh: Tham gia lan tỏa nét đẹp quê hương  (15/11/2024)  
Xếp hạng di tích cấp tỉnh Lăng Ông Nam Hải vạn Vĩnh Lợi  (15/11/2024)  
Giải báo chí ‘Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc' trao 5 giải A  (12/11/2024)  
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
TẤM GƯƠNG HCM
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Định
Liên hệ quảng cáo
SẮP XẾP BỘ MÁY TINH - GỌN - MẠNH - HIỆU LỰC - HIỆU QUẢ
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Hoài Nhơn
CHUYỂN  ĐỔI SỐ
CÔNG TY ĐẤU GIÁ HỢP DANH ĐÔNG DƯƠNG
Báo Bình Định
THÔNG TIN QUẢNG BÁ DOANH NGHIỆP
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BÌNH ĐỊNH
Công báo
Quảng cáo Báo Bình Định
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 129/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 17.4.2023
Tổng Biên tập: HỒ XUÂN ÁNH
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP Quy Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 0256.3822279 - 0966 490 490
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:https://baobinhdinh.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang