Giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng năm 2025: Cần thiết và linh hoạt
Nhằm tiếp tục tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế đất nước, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng năm 2025. Bên hành lang Quốc hội các đại biểu cho rằng động thái này rất quan trọng, nhằm hỗ trợ cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Theo Bộ Tài chính việc xây dựng Nghị quyết giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 1.1.2025 đến hết ngày 30.6.2025 sẽ nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Ủng hộ xây dựng Nghị quyết này, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc gia hạn giảm thế VAT trong thời gian qua - cứ 6 tháng một lần là một cách rất linh hoạt để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng linh hoạt, thích ứng để đảm bảo cân đối lớn. Đồng thời cho rằng, nhằm tiếp tục tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế cần phải có một chính sách mang tính dài hơi hơn.
Ảnh minh họa - KT
“Tôi nghĩ về tầm chiến lược việc giảm thuế nên đến hết năm 2025 và có thể kéo dài hơn, chúng ta cũng phải tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng 2% VAT về các nhóm mặt hàng. Tôi nghĩ cần mở rộng thêm cho toàn bộ đối tượng các sản phẩm dịch vụ cho nền kinh tế để chúng ta kích cầu tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước” - đại biểu Trần Anh Tuấn nêu ý kiến.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng cần thận trọng việc giảm thuế 2% trong năm 2025 tới. Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn Bình Thuận - đề xuất giải pháp cần phải bám sát thực tiễn của nền kinh tế, của người tiêu dùng, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Nếu như kết quả những tháng cuối năm 2024 đã có đà phát triển, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, số lượng các doanh nghiệp được thành lập mới đi theo định hướng dẫn dắt của nền kinh tế, mở rộng các hoạt động gắn với phát triển nhu cầu của người tiêu dùng, các hoạt động sản xuất kinh doanh… Tôi cho rằng nếu đi theo chiều hướng tốt này thì không cần phải áp dụng giải pháp giảm thuế” - đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nói.
Từ năm 2022 đến nay, việc giảm thuế VAT 2% được triển khai. Qua đó, góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Giải pháp này đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi.
Theo chương Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, hôm nay (22.11) buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)