Mỹ và Israel phản đối lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu của ICC
Ngày 21.11, Mỹ và Israel đã lên tiếng phản đối quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: RT/TTXVN
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague vừa ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người liên quan đến cuộc chiến tại Gaza. Quyết định này ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Mỹ và Israel, làm gia tăng căng thẳng quốc tế trong cuộc xung đột ở Trung Đông.
Mỹ đã tuyên bố "về cơ bản bác bỏ" lệnh bắt giữ này. Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chỉ trích ICC đã "vội vàng" trong quá trình điều tra, đồng thời khẳng định tòa án không có thẩm quyền pháp lý để can thiệp vào các vấn đề này. Trong khi đó, phía Israel đã đưa ra những phản ứng gay gắt hơn, cáo buộc ICC là "bài Do Thái" và "chọn phe khủng bố thay vì dân chủ và tự do”.
Tổng thống Israel Isaac Herzog gọi quyết định của ICC là “vô lý” và lên án rằng tòa án đã biến hệ thống tư pháp thành "lá chắn sống" cho các tội ác của Hamas. Ông nhấn mạnh rằng lệnh bắt giữ này "chế giễu" những giá trị công lý mà thế giới đã đấu tranh để bảo vệ từ sau Thế chiến II.
Các quan chức cấp cao của Israel đã có những phản ứng gay gắt. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir khẳng định rằng ICC "hoàn toàn thể hiện bản chất bài Do Thái”, đồng thời kêu gọi Israel tăng cường kiểm soát chủ quyền tại các khu vực Bờ Tây và Judea, cũng như siết chặt các biện pháp đối với chính quyền Palestine. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Israel Amir Ohana chỉ trích ICC vì "biến nhiệm vụ tư pháp thành một công cụ chính trị" phục vụ cho những kẻ "muốn tước đi quyền tự vệ chính đáng của Israel".
Cùng ngày, ICC cũng ban hành lệnh bắt giữ đối với ông Mohammed Deif, một chỉ huy quân sự của Hamas vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, Israel tuyên bố rằng nhân vật này đã thiệt mạng trong một cuộc không kích trước đó.
Các cáo buộc đối với ông Netanyahu xoay quanh việc sử dụng nạn đói như một công cụ chiến tranh tại Gaza, tước đoạt các nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm, nước uống, thuốc men của dân thường." ICC xem đây là một phần trong cuộc điều tra toàn diện hơn, bao gồm các hành vi cáo buộc của Hamas trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7.10.2023, sự kiện đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin. Cuộc xung đột này đã gây ra những hậu quả thảm khốc tại Gaza. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, hơn 44.056 người Palestine đã thiệt mạng và 104.000 người bị thương kể từ khi Israel tiến hành các cuộc không kích. Khoảng 1,9 triệu người, chiếm 90% dân số Gaza đã phải di rời, tị nạn để tránh bom đạn.
Quyết định của ICC đang tạo ra một làn sóng chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Một số quốc gia châu Âu như Hà Lan, Pháp, Thụy Điển và Na Uy tuyên bố ủng hộ tòa án và khẳng định sẽ tuân thủ lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, Mỹ và Israel đều không công nhận thẩm quyền của ICC và khiến vấn đề này trở thành điểm nóng mới trong căng thẳng quốc tế.
Theo Hoàng Anh (rt.com /Báo Tin tức)