Đức thu hút lao động nhập cư tay nghề cao
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hướng đến mục tiêu cấp 200 nghìn thị thực cho người nhập cư có tay nghề cao vào cuối năm nay, tăng 10% so với năm ngoái, thời điểm mà những cải cách về quy định nhập cư lần đầu tiên được công bố.
Theo số liệu thống kê vừa được chính phủ Đức công bố ngày 17.11, số lao động nhập cư có tay nghề được cấp thị thực (visa) trong năm 2024 có thể tăng 10% so với năm ngoái, sau 1 năm triển khai những cải cách về quy định nhập cư nhằm tăng cường nhân lực cho thị trường lao động nước này.
Hiện Đức tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng với khoảng 1,34 triệu vị trí việc làm cần được lấp đầy. Chẳng hạn, nước này hiện cần khoảng 125 nghìn lao động có tay nghề cho các cơ sở chăm sóc trẻ. Năm ngoái, Berlin áp dụng hệ thống xét duyệt visa dựa trên thang điểm (gọi là “Thẻ cơ hội”), như cách mà chính phủ Canada từng thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có bằng cấp và mới tốt nghiệp đại học nhập cảnh vào nước này để học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm. Người lao động có tay nghề không thuộc EU cũng được phép nhập cảnh mà không cần phải có bằng cấp được công nhận tại Đức, tất nhiên có điều kiện kèm theo.
Thị trường lao động Đức đang thiếu hụt nhiều lao động có tay nghề. Ảnh: ShutterStock
Hiệu quả của các quy định sửa đổi
Theo thông báo chung của 3 bộ thuộc chính phủ Đức, ước tính đến cuối năm nay, nước này sẽ cấp khoảng 200 nghìn visa cho lao động nhập cư. Số visa được cấp cho sinh viên ngoài khối EU cũng tăng hơn 20%, trong khi số lượng thực tập sinh nghề còn tăng cao hơn, khoảng 2/3, chưa kể số người có bằng cấp nước ngoài đề nghị được công nhận.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, nhờ “Thẻ cơ hội”, những người trẻ tài năng có thể hoàn thành các chương trình học tập và đào tạo tại Đức dễ dàng hơn, còn những lao động có kinh nghiệm và tiềm năng có thể tìm việc làm phù hợp nhanh hơn.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đánh giá cao những cải cách giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động ở nước này. “Với đạo luật nhập cư dành cho lao động có tay nghề, chúng ta có luật nhập cư hiện đại nhất ở châu Âu và thay đổi hoàn toàn quy trình cấp thị thực”, ông nói.
“Thẻ cơ hội” hoạt động ra sao?
Hệ thống thang điểm được sử dụng để quyết định 1 người có đủ điều kiện được cấp “Thẻ cơ hội”, dựa trên bằng cấp, kiến thức và kinh nghiệm. Ngoài ra, cơ quan chức năng Đức còn cộng thêm điểm cho những ngành nghề nằm trong danh sách thiếu hụt, những bằng cấp nước ngoài được công nhận 1 phần, độ tuổi, trình độ tiếng Đức và tiếng Anh hay từng có những kết nối trước đó tại Đức. Người nộp đơn cũng phải chứng minh có đủ năng lực tài chính trong khoảng thời gian tìm việc tại Đức (khoảng 1.050 USD/tháng). Trong hơn 5 năm qua, Đức có khoảng 1,6 triệu công việc cần người, trong đó 89% vị trí được người nước ngoài lấp đầy.
Tuy nhiên, nhập cư vẫn là vấn đề nóng khi mà nhiều người phản đối cho rằng Đức đang bị quá tải bởi hơn 1 triệu người nhập cư, trong đó nhiều người tị nạn từ cuộc nội chiến Syria từ năm 2015 - 2016 và làn sóng di cư mới từ sau cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2022. Hồi tháng 9.2024, vòng đàm phán thứ 2 về chính sách di cư diễn ra tại Berlin giữa các đảng đã kết thúc mà không có kết quả. Trước thềm cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào tháng 2.2025, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có thể tập trung cho chính sách cắt giảm người nhập cư để lôi kéo sự ủng hộ nhiều hơn từ tỷ lệ 19% hiện nay.
LÊ QUẢNG (Theo AFP, DW)