Växjö với mục tiêu net zero vào năm 2030
Thành phố Växjö nằm cách thủ đô Stockholm (Thụy Điển) khoảng 450 km về phía Tây Nam, thuộc khu vực miền Trung Småland, nơi từng được biết đến như là “Vương quốc thủy tinh” với nhiều nhà sản xuất thủy tinh, pha lê nổi tiếng thế giới như Kosta Boda hay Orrefors từ những năm 1740. Tuy nhiên, hiện thành phố với số dân dưới 100 nghìn người này trở thành một biểu tượng toàn cầu trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu khi đặt mục tiêu không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, sớm hơn 15 năm so với mục tiêu quốc gia của Thụy Điển.
Ảnh: Getty Images
Khi đề ra mục tiêu này vào những năm 1990, chính quyền TP Växjö thu hút sự chú ý của truyền thông ở tận những nơi xa xôi như Nhật Bản. Hiện nay, tỷ lệ phát thải carbon bình quân đầu người của thành phố này được cắt giảm đến hơn 70% so với mức của những năm 1990, trong khi dân số tăng 1/3 và GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Tại đây, các phương tiện công cộng sử dụng nhiên liệu sinh học được sản xuất từ chất thải hữu cơ trong các hộ gia đình, trong khi hơn 90% năng lượng của thành phố được tạo ra từ các phụ phẩm nông - lâm, nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào từ những cánh rừng rộng lớn xung quanh. Ngoài ra, tỷ lệ phát thải khí CO2 giảm cũng nhờ số lượng ô tô ít (trung bình 3 người dân/xe).
Thành phố Växjö có hệ thống đường dành riêng cho xe đạp dài 150 km và mạng lưới này vẫn tiếp tục được mở rộng. Tại trung tâm thành phố, các con đường được xây dựng theo hướng ưu tiên người đi bộ và xe đạp. Tuy nhiên, dấu hiệu chuyển đổi xanh rõ nét nhất ở Växjö có lẽ là kiến trúc bằng gỗ với hơn 1/2 trong số những căn nhà mới được yêu cầu sử dụng gỗ để xây, từ những tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng cho đến nhà ở đơn lẻ.
HỒNG QUẢNG (Theo BBC)