Chuyện về Thượng thư triều Nguyễn đất An Nhơn
Phủ An Nhơn xưa kia có nhiều người học rộng tài cao, đỗ đạt làm quan; trong đó, có ông Nguyễn Văn Phong cùng em ruột Nguyễn Văn Nhã là những vị quan triều Nguyễn có nhiều đóng góp cho đất nước được sử sách ghi chép.
Vị quan yêu nước, thương dân
Ngôi nhà cổ là từ đường gia tộc Nguyễn ở thôn Nhơn Nghĩa Tây, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) còn lưu giữ rất nhiều hiện vật quý liên quan đến cụ tổ Nguyễn Văn Phong (1802 - 1872) là vị quan thanh liêm, có nhiều đóng góp cho đất nước. Em ruột ông là Nguyễn Văn Nhã, giữ chức Bố chánh tỉnh Vĩnh Long tham gia đánh giặc Pháp, được phong Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ; khi mất được nhân dân thờ cúng cùng với Phan Thanh Giản và nhiều chí sĩ yêu nước khác trong Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long.
Cụ Nguyễn Văn Phong từng giữ các cương vị trọng yếu trong bộ máy hành chính của triều Nguyễn, như: Quyền Tuần phủ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình; Tổng đốc Hà - Ninh, Ninh - Thái; Hộ đốc Hà Nội… Sau thăng giữ chức Thượng thư các Bộ: Công, Lại, Lễ, Hình.
Tấm lòng yêu nước, thương dân của quan đại thần Nguyễn Văn Phong được ghi chép khá nhiều trong sách Đại Nam thực lục (Quốc Sử quán triều Nguyễn). Mùa xuân tháng 2, năm Tự Đức thứ 10 (1857), Nguyễn Văn Phong giữ chức Tuần phủ Ninh Bình đã tâu vua Tự Đức xin bỏ ở kho ra tiền 1.000 quan, thóc 1.000 hộc để đem phát chẩn cho dân nghèo. Năm 1858, dân lưu tán ở các tỉnh phía Bắc có nhiều người chết đói, Nguyễn Văn Phong khi đó giữ chức Tổng đốc Ninh - Thái cũng tấu lên vua xin cấp vải và chiếu để mai táng cho dân; ông cũng mở kho thóc phát cứu đói cho dân, xin vua hoãn kỳ duyệt đinh tuyển lính, giảm thuế khóa…
TS Võ Minh Hải (bìa phải) tìm hiểu những tư liệu Hán Nôm của gia tộc Nguyễn lưu giữ. Ảnh: N.NHUẬN
Năm Tự Đức thứ 21 (1868), Nguyễn Văn Phong đang giữ chức Thượng thư Bộ Lễ được đổi bổ làm Thượng thư Bộ Hình. Năm 1869, vùng biên giới phía Bắc tại các tỉnh Sơn Tây, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên… thường xuyên bị giặc phỉ người Trung Quốc quấy nhiễu, Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Phong được sung chức Khâm sai đại thần đến Bắc Ninh trấn áp giặc. Ông cùng Tổng đốc Bắc Ninh Bùi Tuấn, Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn Bá Nghi giữ vững thành trì, kết hợp cùng Ông Ích Khiêm dẫn quân công kích đã giết được tướng phỉ là Ngô Côn.
Dưới thời vua Tự Đức, Nguyễn Văn Phong và danh tướng Nguyễn Tri Phương là những cận thần được vua tin cẩn giao việc quốc gia đại sự đến giáo huấn các hoàng tử. Đến năm 70 tuổi, Nguyễn Văn Phong xin từ quan để trở về quê nhà, rồi mất cuối năm 1872. Cả đời làm quan là bậc đại thần trung nghĩa, thương dân, Nguyễn Văn Phong được triều đình phong là Hiệp biện đại học sĩ, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Ông Nguyễn Văn Bổng, hậu duệ đời thứ 6 của gia tộc Nguyễn, bên thanh bảo kiếm của vua Tự Đức ban cho cụ tổ Nguyễn Văn Phong. Ảnh: NVCC
Ngôi nhà cổ và những tư liệu quý
Ngôi nhà xây dựng từ thời quan Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Phong được con cháu gìn giữ đến nay vẫn còn ở thôn Nhơn Nghĩa Tây, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn). Theo lời ông Nguyễn Văn Bổng, hậu duệ đời thứ 6 của gia tộc Nguyễn, nhà từ đường của Nguyễn tộc là một trong những ngôi nhà cổ còn giữ được kiến trúc cơ bản với hệ thống cột, kèo, xiên, trính, cối còn nguyên vẹn. Mái nhà bằng tranh đã được tôn tạo, lợp ngói. Trong nhà vẫn còn những hiện vật thời Nguyễn, như: Những cặp liễn đối, bức trướng do các vị quan triều Nguyễn cùng phúng viếng quan đại thần Nguyễn Văn Phong, bức hoành phi Tiết hạnh khả phong do vua Thành Thái sắc tứ cho bà Lê Thị Hóa - con dâu của dòng họ Nguyễn thủ tiết thờ chồng…
Bức hoành phi Tiết hạnh khả phong do vua Thành Thái sắc tứ cho bà Lê Thị Hóa - con dâu của dòng họ Nguyễn thủ tiết thờ chồng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Bổng kể lại: Năm 1980, khu vực chôn cất cụ tổ Nguyễn Văn Phong và vợ ông ở thôn Nhơn Nghĩa Đông, xã Nhơn Phúc bị đào xới lên để thi công công trình đã làm mất dấu hai ngôi mộ. Lúc đó, tôi nghe tin có một người dân địa phương lấy hai cái mũ trong quan tài. Tôi có đến hỏi mua lại để lưu giữ kỷ vật của cụ tổ, nhưng người này đã bán đi. Đặc biệt, con cháu gia tộc còn giữ được một thanh bảo kiếm của vua Tự Đức ban cho cụ tổ Nguyễn Văn Phong. Thanh kiếm là “báu vật” giá trị nhất mà con cháu Nguyễn tộc nhiều đời lưu giữ.
Từng đến tham quan tìm hiểu tại nhà cổ Nguyễn tộc, TS Võ Minh Hải, Phó trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Quy Nhơn), cho biết: Những tư liệu Hán Nôm này chứng thực gia tộc Nguyễn là một dòng họ khoa bảng xưa kia. Những loại giấy tờ ghi chép bằng chữ Hán Nôm mà gia tộc còn lưu giữ như: Văn khế, tộc phả, phân thư (giấy chia tài sản), giấy tờ trao đổi của cụ Nguyễn Văn Phong và bạn bè của ông…, là những tư liệu rất có giá trị, khi nghiên cứu sẽ làm rõ thêm về quá trình biến đổi địa danh của vùng đất An Nhơn xưa, cũng như cho thấy vùng đất Nhơn Phúc là một nơi sầm uất trước kia…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN