Nhà Trắng lần đầu xác nhận cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga
Nhà Trắng lần đầu tiên công khai thừa nhận việc nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp, cho phép Kiev tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Ngày 25.11, theo giờ địa phương, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby, cho biết Washington “đã thay đổi hướng dẫn” liên quan đến hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa, và “chúng tôi đã hướng dẫn họ (Ukraine) rằng họ có thể sử dụng chúng để tấn công những loại mục tiêu cụ thể ”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo ông Kirby, hiện nay, Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS để tự vệ trong trường hợp cần thiết khẩn cấp và điều này đã diễn ra ở tỉnh Kursk của Liên bang Nga, nơi mà các lực lượng Ukraine đã hoạt động từ tháng 8.
Ông Kirby cho biết thêm rằng phía Mỹ sẽ để người Ukraine phát biểu về việc sử dụng tên lửa ATACMS, trình tự xác định mục tiêu và cách mà Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS.
Trước đó vào ngày 19.11, Ukraine đã tấn công tỉnh Bryansk của Liên bang Nga bằng sáu tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất.
Tiếp đó vào hôm 21.11, Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow/SCALP do Anh và Pháp chế tạo để tấn công các mục tiêu ở tỉnh Kursk, trong đó có một sở chỉ huy của Nga, gây thương vong.
Sau khi xuất hiện các báo cáo rằng Ukraine đã tấn công một cơ sở quân sự ở tỉnh Bryansk của Nga bằng tên lửa Storm Shadow, đánh dấu lần đầu tiên Kiev sử dụng loại tên lửa tầm xa của Anh nhằm vào lãnh thổ Liên bang Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey đã từ chối xác nhận.
Phát biểu trước các thành viên Quốc hội, ông Healey nói: “Trong những tuần gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong hành động và tuyên bố liên quan đến Ukraine, và các hành động của Ukraine trên chiến trường đã tự nói lên tất cả”.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta, với tư cách là một quốc gia và một chính phủ, đang tăng cường sự ủng hộ đối với Ukraine và quyết tâm làm nhiều hơn nữa”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định rằng các đồng minh phương Tây không nên đặt ra “giới hạn đỏ” trong việc hỗ trợ Ukraine, nhấn mạnh cam kết của Pháp trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine miễn là còn cần thiết.
Ngoại trưởng Barrot xác nhận rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa của Pháp để tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga, với điều kiện đó là hành động tự vệ.
Tuy nhiên, ông Barrot tránh xác nhận liệu vũ khí của Pháp đã được sử dụng trong các chiến dịch như vậy hay chưa.
“Nguyên tắc đã được thiết lập… thông điệp của chúng tôi gửi Tổng thống Zelensky đã được tiếp nhận tốt”, ông Barrot cho biết.
Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh rằng không nên có bất kỳ hạn chế nào đối với sự hỗ trợ dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga.
Ông Barrot giải thích: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine quyết liệt và lâu dài nhất có thể. Tại sao? Bởi vì chính an ninh của chúng tôi đang bị đe dọa” và “mỗi khi quân đội Liên bang Nga tiến thêm một km vuông, mối đe dọa đối với châu Âu lại tiến gần hơn một km vuông”.
Về phần mình, vào ngày 25.11, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng việc Tổng thống Joe Biden cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Nga đã chứng minh rằng "họ sẽ làm mọi cách để đảm bảo cuộc chiến ở Ukraine không thể kết thúc".
Ông Peskov ám chỉ rằng đảng Dân chủ Mỹ muốn lợi dụng điều này để hạn chế khả năng của ông Trump trong việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine, khiến các thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn hơn.
Trước đó, vào ngày 23.11, trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Al Mayadeen, Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov cảnh báo Pháp, Anh sẽ phải đối mặt với hậu quả khi quyết định giúp Ukraine tấn công vào lãnh thổ của nước này.
Ông Mikhail Ulyanov nêu rõ: "Pháp và Anh đã quyết định giúp Ukraine sử dụng tên lửa có độ chính xác cao và họ sẽ phải trả giá cho việc đó. Moskva sẽ đáp trả các cuộc tấn công tên lửa vào Nga".
Ông cũng cho biết: "Những gì Nhà Trắng đã làm là rất nguy hiểm và người đưa ra quyết định này hoàn toàn nhận thức được hậu quả tiêu cực của nó".
Trên thực tế ngày 21/11, Liên bang Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik tấn công vào thành phố Dnipro của Ukraine. Sau này, địa điểm phóng được xác định là từ bãi thử tên lửa thứ 4 ở Kapustin Yar thuộc vùng Astrakhan của Liên bang Nga và mục tiêu bị tấn công là cơ sở của tập đoàn tên lửa và vũ trụ Yuzhmash - một doanh nghiệp tên lửa và quốc phòng của Ukraine tại thành phố Dnipro.
Vụ tấn công này đánh dấu việc Liên bang Nga lần đầu tiên thử nghiệm trong môi trường chiến đấu một loại tên lửa với đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV - Multiple Independently-targetable Reentry Vehicle) thông thường.
Hôm sau, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước những hành động gây hấn vừa qua.
Ông Peskov nói rằng: "Thông điệp chính là các quyết định, hành động liều lĩnh của phương Tây khi sản xuất tên lửa, cung cấp cho Ukraine, sau đó tham gia vào các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ không thể không nhận phản ứng từ phía Liên bang Nga".
Cũng trong ngày 22.11, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng đại diện của tổ hợp công nghiệp-quân sự và các nhà thiết kế vũ khí tên lửa của Liên bang Nga ở Moskva, Tổng thống Vladimir Putin cam kết sẽ thử nghiệm thêm tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik trong điều kiện chiến đấu nhằm vào Ukraine.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga cũng tuyên bố Moskva sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt loại vũ khí mới này và đưa vào phục vụ trong Lực lượng Tên lửa chiến lược.
Theo Tổng thống Putin, hiện nay trên thế giới không có phương tiện nào để chống lại tên lửa đạn đạo siêu vượt Oreshnik, không có phương tiện nào có thể đánh chặn nó.
(Theo Thành Nam/Báo Tin tức/Theo AA/The Kyiv Independent/Reuters)