Hội thảo thực trạng kinh tế số đóng góp vào GRDP của tỉnh
(BĐ) - Chiều 27.11, tại TP Quy Nhơn, Trung tâm nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh (Sở KH&ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học cấp cơ sở năm 2024 đề tài “Thực trạng kinh tế số đóng góp vào GRDP của tỉnh và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số đến năm 2030”. Đề tài do Th.S Trần Bửu Ấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh chủ nhiệm. Tham gia hội thảo có đại diện một số sở, ngành và Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh.
Báo cáo về phần thực trạng kinh tế số đóng góp vào GRDP của tỉnh, chủ nhiệm đề tài đã phân tích, làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc phát triển kinh tế số; công tác đầu tư hạ tầng số; đào tạo nhân lực; phát triển chính quyền số; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin… trên địa bàn tỉnh thời gian qua và đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh.
Đại diện Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.SỸ
Theo chủ nhiệm đề tài, giai đoạn từ năm 2020-2023, quy mô giá trị tăng thêm kinh tế số của Bình Định khá tốt, từ 4.884,176 tỷ đồng năm 2020 lên 7.178,742 tỷ đồng năm 2023. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP bình quân giai đoạn 2020-2023 đạt khoảng 5,56%. Tuy vậy, quá trình phát triển kinh tế số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Nhận thức, kiến thức của nhiều cán bộ, DN và người dân về kinh tế số còn hạn chế; công tác chuyển đổi số ở một số cấp, ngành, địa phương và các DN chưa được quan tâm đúng mức; thể chế, chính sách phát triển kinh tế số chưa đồng bộ…
Trong phần giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, chủ nhiệm đề tài đề xuất các nhóm giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hướng tới kinh tế số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho kinh tế số; đẩy mạnh hoạt động kinh tế số trong các trụ cột phát triển kinh tế tỉnh trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050…
Tham gia góp ý tại hội thảo, đại diện Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Sở NN&PTNT, Cục Thống kê tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế… đề nghị chủ nhiệm đề tài cập nhật thông tin mới về công tác chuyển đổi số tại các đơn vị và của tỉnh; đồng thời xem lại phương pháp đánh giá kinh tế số và đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh. Đối với phần giải pháp, cần đưa ra giải pháp cụ thể cả trước mắt và lâu dài, nhất là đối với lĩnh vực, ngành nghề được xem là trụ cột, có nhiều đóng góp vào GRDP của tỉnh. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, chủ nhiệm đề tài sẽ rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện nội dung đề tài.
T.SỸ