Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hàng không và vũ trụ tại Bình Định: Tầm nhìn chiến lược cho tương lai
Mới đây, Hội thảo về định hướng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hàng không và vũ trụ tại Bình Định thu hút gần 100 chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Các chuyên gia đánh giá đây là một định hướng đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh, với mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước và khu vực.
Vị trí lý tưởng phát triển KH&CN
Tỉnh Bình Định đã xác định KH&CN là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Với định hướng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hàng không và vũ trụ, tỉnh hội tụ đủ các yếu tố để triển khai, đặc biệt là nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng giáo dục.
Bình Định sở hữu một hệ thống giáo dục đại học mạnh mẽ, với Trường ĐH Quy Nhơn -nơi đào tạo các ngành khoa học cơ bản, cùng với Trường ĐH Công nghệ FPT - nơi tập trung vào các ngành công nghệ thông tin, phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là những ngành khoa học đóng vai trò quan trọng trong công nghệ hàng không và vũ trụ. Hơn nữa, sự đam mê nghiên cứu và tinh thần sáng tạo của người dân Bình Định, đặc biệt là giới trẻ, cũng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ cao trong tương lai.
Một điểm mạnh khác là chúng ta sở hữu Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), nơi đã trở thành điểm kết nối giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tổ chức nhiều hội nghị khoa học quan trọng, góp phần nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam. Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo tại Bình Định cũng đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ thế hệ trẻ, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của KH&CN trong tỉnh.
Cộng đồng khoa học quốc tế cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án này. TS Cao Văn Sơn, Trưởng nhóm Neutrino tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE), chia sẻ, nhóm của ông có kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực như phát hiện bức xạ, liên lạc quang học và thám hiểm hành tinh. IFIRSE cam kết sẽ hỗ trợ Bình Định trong việc phát triển ngành công nghệ vũ trụ, đưa ra các giải pháp công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
TS Nguyễn Trọng Hiền, Giám sát viên nhóm thiết bị thiên văn tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng phòng thí nghiệm không gian, khởi đầu từ các thí nghiệm nhỏ, nhưng thiết yếu. Ông đề xuất, các nghiên cứu sẽ được thực hiện trên các tên lửa để quan sát bầu trời và mặt đất, đồng thời lưu ý cần có cơ chế quản lý và tài chính đặc biệt để các phòng thí nghiệm đạt được hiệu quả cao, tương tự như các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
Nhóm Neutrino là nhóm tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực thực nghiệm và có nhiều kinh nghiệm làm việc với các kỹ thuật nền tảng phục vụ phát triển công nghệ vũ trụ. Ảnh: T.LỢI
Cần chiến lược bài bản và đồng bộ
Khẳng định Bình Định có nhiều tiềm năng, các chuyên gia đều cho rằng việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hàng không và vũ trụ tại đây là một dự án lớn và phức tạp, cần được triển khai bài bản và đồng bộ. TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nhấn mạnh, dự án này không chỉ ảnh hưởng đến Bình Định mà còn đến toàn bộ khu vực, vì vậy, việc thực hiện cần phải có kế hoạch chi tiết qua các giai đoạn cụ thể, từ xây dựng dự án, lựa chọn địa điểm, thành lập ban quản lý, tuyển dụng và đào tạo nhân lực...
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức -Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, lưu ý, quá trình triển khai Bình Định cần bám sát Luật Công nghệ cao và Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 21.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030. Đồng thời, có mối liên hệ hợp tác, trao đổi với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam để tìm ra những điểm mà trung tâm tại Bình Định có thể phối hợp, hỗ trợ đáp ứng được nhưng vẫn cần có sự khác biệt về định hướng, những đặc thù của địa phương và khu vực so với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các trung tâm khác. Trước mắt, có thể tham gia lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, chế tạo vệ tinh nhỏ; xây dựng trạm thu phát dữ liệu vũ trụ hoặc vệ tinh phục vụ cho các hoạt động giám sát tài nguyên, khí tượng và môi trường của tỉnh và các vùng duyên hải miền Trung.
Theo các chuyên gia, Bình Định cũng cần có nhiều nghiên cứu tổng thể về sự phát triển và thực trạng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Hàng không và Vũ trụ tại Việt Nam. Từ đó đưa ra những quy hoạch chiến lược, có chính sách tốt để thu hút đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài, các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của quốc tế tham gia hợp tác, nghiên cứu tại Trung tâm. Đồng thời, phối hợp với các trường hiện có đào tạo về lĩnh vực công nghệ vũ trụ để xây dựng, chuẩn bị nguồn nhân lực đủ khả năng triển khai các nghiên cứu, hợp tác quốc tế.
“Dự án này không chỉ góp phần phát triển ngành công nghệ cao trong nước, mà còn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Nếu được triển khai đúng hướng, đây sẽ là bước đi quan trọng trong việc đưa Bình Định trở thành một trung tâm KH&CN hàng đầu tại Việt Nam”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định.
TRỌNG LỢI