Thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp nhiệm vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính:
Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính
Chiều 28.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Ðề án “Thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh”.
Cơ bản đáp ứng yêu cầu
Việc triển khai Đề án “Thực hiện cơ chế giao DN đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định” đã sắp xếp, tổ chức lại nhân sự làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận Một cửa cấp huyện theo hướng tinh gọn hơn.
Nhân viên Bưu điện thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ vàtrả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: N.M
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có 14 nhân viên Bưu điện thay thế cho 24 công chức, viên chức các sở, ban; giảm 10 người làm việc so với thời điểm trước chuyển giao, tỷ lệ giảm là 58,3%.
Tại bộ phận Một cửa cấp huyện, hiện đã có 5/11 địa phương chuyển giao hoàn toàn, thay 100% công chức, viên chức bằng nhân viên Bưu điện, gồm: TP Quy Nhơn, các huyện Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão. 6 địa phương còn lại mới chuyển giao một phần, gồm: TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước. Trong đó, bộ phận chưa chuyển giao cho nhân viên Bưu điện chủ yếu là lĩnh vực đất đai. Tổng số công chức, viên chức trực tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa cấp huyện trước thời điểm chuyển giao là 88 người, sau khi chuyển giao còn 53 người (gồm 18 công chức, viên chức và 35 nhân viên Bưu điện), giảm 35 người (giảm 39,7%).
Bình quân mỗi nhân viên Bưu điện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận và trả kết quả 7.422 hồ sơ/năm, tăng 3.480 hồ sơ/năm so với trước thời điểm chuyển giao. Bình quân mỗi nhân viên Bưu điện tại bộ phận Một cửa cấp huyện tiếp nhận và trả kết quả 3.414 hồ sơ/năm, tăng 1.632 hồ sơ/năm so với trước thời điểm chuyển giao. Mặc dù số người làm việc giảm, khối lượng công việc tăng (thêm công việc số hóa), số lượng hồ sơ tăng nhưng nhân viên Bưu điện vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Một số chỉ số thuộc “Bộ chỉ số phục vụ người dân, DN” có liên quan đến nhiệm vụ của nhân viên Bưu điện tăng so với trước thời điểm chuyển giao. Ở cấp tỉnh, hồ sơ trực tuyến tăng 37,16%, thanh toán trực tuyến tăng 54,55%, số hóa tăng 24,25%, khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tăng 9,6%. Tại cấp huyện, hồ sơ trực tuyến tăng 17,02%, số hóa tăng 8,69%, khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa tăng 42,3%.
Thái độ, cung cách phục vụ người dân, DN của nhân viên Bưu điện thể hiện tính cầu thị, nhiệt tình, trách nhiệm, thân thiện. Theo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ “rất hài lòng” tăng 5,16%, tỷ lệ “hài lòng” tăng 1,67%.
Việc chuyển bộ phận Một cửa TP Quy Nhơn và BHXH tỉnh về một đầu mối Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, DN đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An nhận định: “Nhân viên Bưu điện bố trí làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận Một cửa cấp huyện bước đầu đáp ứng hầu hết các nhiệm vụ, công việc theo vị trí, lĩnh vực đã được phân công chuyển giao, đảm bảo chất lượng, hiệu quả”.
Tháo gỡ các khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì vẫn còn một số hạn chế. Nhân viên Bưu điện thực hiện nhiệm vụ của một số lĩnh vực như GTVT, TN&MT… có mặt còn hạn chế, thực hiện còn chậm. Từ ngày 5.9.2023 đến nay, đã có 7 nhân viên Bưu điện nghỉ việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Việc thường xuyên thay đổi nhân viên Bưu điện làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC.
Nhân viên Bưu điện thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa TX An Nhơn. Ảnh: N.M
Mặt khác, số lượng hồ sơ hủy, từ chối giải quyết do không đủ điều kiện có số lượng lớn và ở mức cao khá cao, chiếm 20,33%, trong đó đáng lo ngại là số lượng hồ sơ từ chối giải quyết tăng 2,54% so với trước thời điểm chuyển giao.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết, sau bộ phận Một cửa thành phố, đến nay, UBND thành phố đã triển khai thí điểm bố trí nhân viên Bưu điện cùng với cán bộ UBND phường thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận Một cửa phường Nhơn Phú (1 nhân viên) và phường Đống Đa (2 nhân viên). Việc chuyển giao công tác tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại 2 phường mới chỉ triển khai đối với một số nhóm TTHC. Theo ông Nam, Bưu điện cần đảm bảo nhân lực để thực hiện nhiệm vụ, ngoài ra, cần chuẩn bị cả nhân lực dự phòng để đảm bảo công việc trôi chảy khi xảy ra tình huống đau ốm, khẩn cấp.
Ông Nguyễn Gia Bình, Giám đốc Bưu điện tỉnh, đã trao đổi về một số khó khăn từ phía Bưu điện trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC vừa qua.
Tại điểm bưu điện văn hóa xã, phường, thời gian qua, đã phát sinh tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết với 7 TTHC. Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ nhân viên Bưu điện nắm rõ thành phần hồ sơ của từng TTHC nhằm thuận lợi hơn trong hỗ trợ người dân, DN.
Hướng tới mục tiêu dịch vụ công trực tuyến toàn trình đảm bảo thực chất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, mẫu hóa hồ sơ, đơn giản giao diện thực hiện, tăng cường chứng thực điện tử. UBND cấp huyện tham khảo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp (đang triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành) để nghiên cứu, đề xuất thí điểm mô hình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính 2 cấp (cấp huyện, cấp xã) trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành cùng với Bưu điện tìm giải pháp khắc phục tình trạng hồ sơ từ chối giải quyết, trả lại do tiếp nhận không đúng thành phần. Sở TT&TT xây dựng hệ thống chatbot để hướng dẫn về các TTHC; Văn phòng UBND tỉnh kiến nghị Trung ương về phương thức thanh toán trực tuyến khi thực hiện các TTHC sao cho phù hợp hơn với người dân, đồng thời nghiên cứu, đề xuất chế tài không tiếp nhận hồ sơ giấy, nhất là đối với cơ quan hành chính nhà nước và DN. Đối với các địa phương mới chuyển giao một phần hồ sơ giải quyết TTHC, nhanh chóng triển khai chuyển giao toàn bộ cho nhân viên Bưu điện.
NGUYỄN MUỘI