Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trong năm 2025
(BĐ) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo) tại cuộc họp Ban chỉ đạo đôn đốc các địa phương trong tỉnh triển khai chương trình này, diễn ra vào sáng 29.11.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Nguyễn Thị Phong Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo; các thành viên trong Ban chỉ đạo; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: N.H
Báo cáo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH tại cuộc họp cho biết, từ năm 2019 -2024, Bình Định đã thực hiện hỗ trợ cho 5.361 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng số tiền hơn 227 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở, góp phần đảm bảo ổn định đời sống, giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong đó, có 4.248 hộ nghèo và 1.113 hộ cận nghèo.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết, từ năm 2019 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ cho 5.361 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền hơn 227 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở. Ảnh: N.H
Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay vẫn còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn không có kinh phí để làm các thủ tục về đất đai và đối ứng của hộ để xây dựng nhà ở và sửa chữa nhà. Một số hộ nghèo, hộ cận nghèo vướng thủ tục pháp lý về đất ở, nhà ở nên không đủ điều kiện để được hưởng chế độ hỗ trợ xây dựng nhà…
Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6.10.2024 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trong năm 2025, toàn tỉnh có hơn 2.050 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Trong đó, có 1.150 hộ nghèo, 740 hộ cận nghèo, 164 hộ mới thoát nghèo. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 107 tỷ đồng, trong đó mức hỗ trợ hộ xây dựng mới nhà ở là 60 triệu đồng/hộ và hỗ trợ sửa chữa nhà cũ là 30 triệu đồng/hộ.
Đối với chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với nước, qua tổng hợp, rà soát của Sở Xây dựng và các địa phương, đến năm 2025, toàn tỉnh có 4.706 hộ cần hỗ trợ, trong đó có 2.699 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây nhà mới, 2.007 hộ cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà. Tổng dự toán kinh phí thực hiện hơn 222,15 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải báo cáo sẽ ưu tiên nguồn kinh phí tiết kiệm, cắt giảm 5% chi thường xuyên ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ bố trí cho việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương. Ảnh: N.H
Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương giải quyết vấn đề pháp lý về đất ở đối với hộ nghèo, cận nghèo, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Ảnh: N.H
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính như xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025. Phân tích, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc và các biện pháp khắc phục.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết, trong năm 2024, Hoài Nhơn sẽ là địa phương giải quyết xong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh: N.H
Bí thư Thị ủy An Nhơn Mai Việt Trung cho biết sẽ tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát để hoàn thành công tác này trong quý II/2025. Ảnh: N.H
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ cho biết Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ chung tay huy động mọi nguồn lực để cùng chia sẻ, chung tay chăm lo chỗ ở cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Ảnh: N.H
Trong đó, chính quyền các địa phương có vai trò quyết định, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện việc hỗ trợ xây dựng nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các địa phương trong tỉnh tập trung xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2025. Ảnh: N.H
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đánh giá, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng mới, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn do liên quan đến thủ tục pháp lý về đất đai; một số hộ nghèo không đảm bảo khả năng đối ứng kinh phí xây dựng nhà nên chưa thực hiện chính sách hỗ trợ. Trong đó, các huyện như: Vân Canh, An Lão, Hoài Ân vẫn còn nhiều hộ có nhà ở tạm bợ, nhà dột nát cần được hỗ trợ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong kế hoạch triển khai chương trình năm 2025, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ và nhanh chóng tổ chức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ. Đồng chí đề nghị các địa phương phải có các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt, tập trung cao để giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất, chính sách hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN và nhân dân tích cực ủng hộ nguồn lực để thực hiện chương trình này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người nghèo, cận nghèo, các hộ gia đình chính sách được an cư và đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, hộ cận nghèo. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm triển khai thực hiện đạt kết quả chương trình này.
Với mục đích, ý nghĩa cao đẹp đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong năm 2025, Ban chỉ đạo tỉnh tập trung cao chỉ đạo hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Trong quý I/2025, các địa phương phải hoàn thành giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhằm đảm bảo tính pháp lý để người dân đủ điều kiện xây nhà.
Về kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà, đề nghị Sở Tài chính cân đối, đảm bảo nguồn lực để bố trí cho các địa phương, nếu thiếu kinh phí thì cho tạm ứng từ nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội - đoàn thể, các DN vận động đóng góp để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, giúp Ban chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Đồng thời, phối hợp, kiểm tra thực hiện; tổng hợp, báo cáo đề xuất Ban chỉ đạo những trường hợp phát sinh có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Giao Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương về các mẫu nhà đảm bảo diện tích sử dụng, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh cần có chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng nhà ở…
NGUYỄN HÂN