Quy Nhơn xây ước mơ vươn mình ra biển lớn
Đã hơn 400 năm kể từ lần đầu tiên cái tên Quy Nhơn xuất hiện. Tiếp nối ý nguyện của tiền nhân, giờ đây Quy Nhơn không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại của tỉnh Bình Định, mà còn đang vươn mình trở thành động lực của cả vùng Duyên hải Nam Trung bộ; là cánh cửa mở ra biển khơi của Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Nam Lào.
Với những giá trị nổi trội, đặc trưng về văn hóa, hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực phát triển, đặc biệt có vị trí thuận lợi trong kết nối và liên kết vùng, TP Quy Nhơn được Trung ương và tỉnh Bình Định xác định có triển vọng phát triển. Trong đó, Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Và bước đi đầu tiên đầy tươi mới của Quy Nhơn là phát triển kinh tế du lịch.
Mấy năm gần đây, Nhơn Châu trở thành một điểm đến thu hút nhiều du khách. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Những bước đi tươi mới, sáng tạo
Những năm gần đây, Quy Nhơn nổi lên như một “thiên đường biển”, với nhiều trải nghiệm mới mẻ. Hàng loạt hoạt động du lịch bài bản đã được thành phố chú trọng triển khai, qua đó lượng khách trong nước và quốc tế đến Quy Nhơn tăng cao. Xã đảo Nhơn Châu là một điển hình. Mấy năm gần đây, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch trên đảo tăng lên thấy rõ.
Ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: Hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú, ẩm thực… có nhiều thay đổi đáng mừng, góp phần rất lớn trong nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tạo động lực phát triển KT-XH. Chỉ 9 tháng đầu năm thôi, đảo đã đón 16.100 lượt khách, đạt 133% kế hoạch năm, góp phần tạo việc làm, tăng thu ngân sách cho địa phương. Cụ thể, Nhơn Châu thu ngân sách đạt hơn 7,54 tỷ đồng, đạt 126,10% chỉ tiêu; trong đó, nguồn thu từ dịch vụ, du lịch khá cao. Toàn xã có 72 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà trọ, homestay, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 180 lao động. Đây là điều mà vài năm trước thật không thể hình dung được.
Anh Ngô Văn Sơn (SN 1968), chủ Sơn Tiệm homestay ở Nhơn Châu, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 7 phòng lưu trú khang trang, đáp ứng chỗ ăn, ở cho hơn 40 khách. Tôi thường đưa các đoàn khách khám phá đảo, tham quan hải đăng Nhơn Châu, suối Giếng Tiên, bàn cờ Tiên, bãi đá Thảo Nguyên… và đặc biệt là dịch vụ câu mực đêm. Theo lắng nghe của tôi thì du khách rất thích những trải nghiệm trên đảo. Họ thích ngắm hoàng hôn thơ mộng từ thuyền câu mực, tận hưởng khung cảnh biển lãng mạn về đêm. Và nhiều du khách cho biết họ rất thích cách giao tiếp chân thành đôn hậu của bà con trên đảo… Từ ngày du lịch phát triển, bà con trên đảo càng thêm chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường, giao tiếp với khách, cá nhân tôi cũng chịu khó học hành để thành hướng dẫn viên du lịch có chứng chỉ bài bản, vợ tôi cũng học kỹ thuật chế biến món ăn và được cấp chứng chỉ sơ cấp. Mà không riêng gì gia đình tôi, rất nhiều bà con khác cũng chủ động tiếp cận những cái mới, đầu tư phát triển cơ sở, chịu khó học hành để tiếp nhận cơ hội phát triển.
Đô thị khoa học Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) - một địa chỉ khoa học danh giá của Việt Nam và châu Á thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: NGUYỄN NGUYỆT
Nếu Nhơn Châu nổi trội với việc phát huy tiềm năng từ thiên nhiên thì ở nội thành phường Đống Đa lại tự mình vừa chắt chiu lợi thế sở hữu cảnh quan sông nước, vừa đầu tư sáng tạo nhiều hoạt động mới mẻ để thu hút du khách. Chỉ riêng 2 năm qua, Đống Đa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô… chủ yếu dọc theo đoạn sông Hà Thanh chảy qua phường. Thời điểm diễn ra sự kiện hầu hết vào ban đêm - khung thời gian mà Quy Nhơn chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, hơn nữa còn phát huy ưu thế sông nước lung linh hơn về đêm. Thực tế cho thấy khá nhiều người tỏ ra thích thú khi trải nghiệm dịch vụ đi thuyền thúng ngắm vẻ đẹp sông Hà Thanh, ngắm những sắc màu quyến rũ của TP Quy Nhơn.
Anh Trương Văn Kha (SN 1980), thành viên Tổ cộng đồng ngư dân bơi thuyền thúng phục vụ du lịch trên sông Hà Thanh, hồ hởi: Khu vực này nước êm quanh năm, du khách trải nghiệm thuyền thúng sẽ là một cuộc dạo chơi ngắm cảnh thú vị, tận hưởng không gian yên ả, nghe tiếng mái chèo rẽ nước, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, thưởng thức nước uống tại bè nổi…
Tạo đột phá để phát triển nhanh và bền vững
Quy Nhơn ngày càng có thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Lễ hội đường phố, Ngày hội VH-TT miền biển, Liên hoan diều, Liên hoan Lân - Sư - Rồng, biểu diễn bài chòi… Đặc biệt, Quy Nhơn lần thứ 2 được vinh danh Thành phố du lịch sạch ASEAN, đưa thương hiệu du lịch Quy Nhơn lan tỏa trong khu vực ASEAN và quốc tế. Cùng với đó, nhiều dự án phát triển du lịch - dịch vụ đã và đang được triển khai, kỳ vọng sẽ tạo đột phá về phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn cho biết, sau những sự kiện như Lễ hội khinh khí cầu, Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn, cuộc thi hoa hậu Thế giới - Miss World Việt Nam; Giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng Quy Nhơn; Giải đua thuyền máy quốc tế UIM F1H2O và Giải đua vô địch mô tô nước quốc tế UIM - ABP; Giải TeqBall quốc tế; Giải Bóng đá bãi biển Vô địch quốc gia…, Quy Nhơn đang trở thành điểm đến tổ chức các sự kiện thể thao gắn với văn hóa, du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Điểm dễ thấy là gần đây nhiều tập đoàn, DN, tổ chức… đã chọn Quy Nhơn làm nơi tổ chức sự kiện của mình.
Giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng Quy Nhơn (tháng 10.2023). Ảnh: NGUYỄN NGUYỆT
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn vào cuối tháng 10.2024, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong các năm qua có sự đóng góp rất lớn của thành phố (chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản phẩm của tỉnh), đưa quy mô kinh tế của tỉnh vươn lên xếp thứ 5 trong 15 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung. Điều đó cho thấy Quy Nhơn tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của tỉnh.
Với khát vọng vươn tầm và quyết tâm bứt phá toàn diện, thành phố tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực, đẩy mạnh du lịch thể thao, giải trí trên biển dọc tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, Quy Nhơn - Nhơn Lý, Nhơn Hải - Cù Lao Xanh; đẩy mạnh du lịch tuyến sông, đầm Thị Nại, trang trí cảnh quan, điểm ngắm cảnh, check-in dọc sông Hà Thanh và phát triển thêm một số dịch vụ du lịch gắn với hoạt động phố ẩm thực Hoa Lư.
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, chia sẻ: Quy Nhơn chủ động phát huy tối đa tiềm lực đang có để đón lấy những cơ hội đang đến. Đặc biệt sẽ tập trung phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, động viên các xã, phường tuyến biển và các địa phương được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng phát huy tối đa lợi thế riêng có của xứ Nẫu Bình Định từ ẩm thực đến văn hóa nghệ thuật. Cùng với đó phát triển các sản phẩm du lịch giàu tiềm năng, như: du lịch khám phá khoa học, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp hoạt động du lịch. Triển khai các kế hoạch hình thành các tuyến phố, các điểm văn hóa - du lịch gắn với biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí về đêm để thúc đẩy phát triển du lịch TP Quy Nhơn.
NGUYỄN NGUYỆT