Phát hiện sắc phong liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Bình Định: Tài liệu quý hiếm, cần được phát huy giá trị
Tại nhà anh em ông Trần Yên và ông Trần Văn Tâm, ở thôn Phú Xuân, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn có sắc phong thời vua Tự Đức phong cho ông cao tổ của gia tộc chức Chánh đội trưởng suất đội - Cai đội tinh binh thuộc Tả vệ thủy quân tỉnh Bình Định. Đây là những sắc phong quý hiếm được lưu giữ liên quan đến lực lượng quân đội triều Nguyễn thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Người xưa bảo vệ biển, đảo
Việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước được triều đình nhà Nguyễn rất coi trọng. Triều đình đặt ra lực lượng thủy sư ở Kinh kỳ bảo vệ vùng biển ở kinh đô Huế và lực lượng thủy quân các tỉnh từ Bắc vào Nam. Lực lượng thủy quân được trang bị thuyền, vũ khí, thao diễn quân đội, định lệ tuần phòng… để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước; trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Riêng lực lượng quân đội ở tỉnh Bình Định được triều Nguyễn biên chế như sau: 1 thủy vệ; 2 Tả, Hữu vệ; 3 cơ Trung, Tả, Hữu; 1 đội Tuần thành; 1 đội pháo thủ; 1 Tượng cơ; 1 đội Bình Định. Mỗi vệ có 10 đội (mỗi đội 50 lính); cơ tương đương với vệ, nhưng số đội ít hơn. Đặt các chức quan quản lý mỗi vệ có 1 vệ úy, 1 phó vệ úy; mỗi cơ có 1 quản cơ, 1 phó quản cơ; mỗi đội có 1 suất đội, 1 đội trưởng, 1 ngoại ủy đội trưởng.
Về lực lượng thủy quân tỉnh Bình Định, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Nội các triều Nguyễn), có đoạn chép: “Minh Mạng năm thứ 15 (1834), xuống dụ: Tỉnh Bình Định chưa đặt Thủy sư, cho quan tỉnh ấy xem xét các dân xã ở ven bể trong hạt ấy để chọn thêm, hoặc mộ dân ngoại tịch vào, cốt đủ 10 đội, mỗi đội 50 lính, đặt làm Thủy sư Bình Định”.
Còn với 2 vệ Tả, Hữu ở Bình Định, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) tâu được chuẩn: “Vốn trước có 2 vệ Định Dũng và Hổ Uy Hậu. Đem các hạng lính tuyển cũ ở vệ Hổ Uy Hậu trước rút về cùng lính mới tuyển, cộng 499 người, hợp với lính vệ Định Dũng. Tất cả hiện được 1.091 người, dồn bổ làm 2 vệ Tả, Hữu ở Bình Định”.
Ông Trần Yên (bên phải) giữ gìn và thờ phụng hai sắc phong vua Tự Đức ban cho cụ tổ Trần Văn Nhiêu. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, việc tuần tra, kiểm soát vùng biển nói chung được giao cho quân đội chính quy, song ở các địa phương cũng được giao thêm quyền chủ động. Các tỉnh lấy dân địa phương (hoặc dân ngoại tịch) rồi lập thành các đội tuần tra, như thời Gia Long cho mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa, đội Bình Hải để sai khiến. Đến thời Minh Mạng cũng quy định các tỉnh có hải phận đều đóng 2 - 3 chiếc thuyền nhanh nhẹ và sai dân các đảo sửa chữa thuyền đánh cá, liệu cấp khí giới để đi tuần thám.
Sắc phong quý hiếm về thủy quân ở Bình Định
Tại nhà của anh em ông Trần Yên (73 tuổi) và ông Trần Văn Tâm (70 tuổi), ở xóm 2, thôn Phú Xuân, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn) còn lưu giữ 2 sắc phong thời vua Tự Đức phong cho cụ tổ gia tộc là Trần Văn Nhiêu chức Chánh đội trưởng suất đội (hàm quan Chánh lục phẩm) Tả thủy vệ Bình Định, và sau thăng chức Cai đội tinh binh (hàm quan trật Tòng ngũ phẩm) vì hy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên biển.
Nội dung sắc phong ban vào ngày 27 tháng Giêng, năm Tự Đức thứ 19 (1866) tạm dịch như sau: “Ban sắc cấp bằng cho ông Trần Văn Nhiêu, quê quán ở thôn Phú Xuân, tổng Tài Lương, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định trước đây đã từng có chỉ bổ nhiệm chức Đội trưởng Đội 10 thuộc vệ Tả thủy tỉnh Bình Định, nay được quan binh trong tỉnh tiến cử và Bộ Binh đã chuẩn, cho ông được bổ nhiệm chức Chánh đội trưởng suất đội Đội 4 của vệ Tả thủy tỉnh Bình Định, quản lý điều hành, phân công các thuộc viên thực thi công vụ. Trong quá trình làm việc nếu có sai sót thì xử theo quân pháp. Hãy cung kính tuân theo”.
Sắc phong còn lại được ban vào ngày 18 tháng Giêng, năm Tự Đức thứ 24 (1871) có nội dung (tạm dịch): “Ban sắc cho ông Trần Văn Nhiêu là Suất đội của Đội 1 Thủy Dũng, lần sai phái này thực hiện nhiệm vụ chẳng may bị chết vì thuyền bị chìm trên biển. Các quan viên của tỉnh đã có lời thỉnh cầu đề xuất chuẩn cho ông được là Cai đội tinh binh để an ủi về sau. Hãy cung kính tuân theo”.
Hai sắc phong của vua Tự Đức ban chức cho cụ Trần Văn Nhiêu. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Bên bàn trà mời khách, ông Trần Văn Tâm cho biết: “Tính từ đời cụ tổ Trần Văn Nhiêu, anh em tôi là đời thứ 5. Gia tộc chúng tôi trước đây ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, đến đời cụ cố chuyển về sinh sống ở thôn Phú Xuân. Mộ cụ tổ Trần Văn Nhiêu và gia tộc vẫn còn ở Lộ Diêu. Ngoài 2 sắc phong của vua Tự Đức ban cho cụ tổ Trần Văn Nhiêu, nhà tôi còn giữ nhiều tư liệu Hán Nôm khác, như tờ bẩm, gia phả, khế ước…”.
Đưa tôi đến nhà xem 2 sắc phong đang được thờ, ông Trần Yên kể lại: “Hồi còn sống ba tôi kể lại, cụ tổ Trần Văn Nhiêu chỉ huy lực lượng tuần tra từ cửa biển
Đề Gi đến cửa biển An Dũ trong thời điểm mùa gió Nam đã gặp giông tố, nên thuyền bị chìm ngoài khơi và mất mạng trên biển vào ngày 23.4 âm lịch. Sau có một người cháu trong gia tộc Trần đi đánh cá trở về bãi biển Lộ Diêu đã phát hiện chiếc dùi trống lệnh bằng gỗ có khắc tên cụ tổ Trần Văn Nhiêu. Gia tộc đã làm lễ chiêu hồn và đắp hình nộm đất sét bao chiếc dùi trống để chôn, xây mộ cho cụ tổ. Đến năm 2012, khi cải táng mộ cụ tổ quy tập về nghĩa trang gia tộc, con cháu vẫn thấy còn hình nộm đất sét và một phần chiếc dùi trống nằm dưới mộ”.
Những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn phong chức và ghi nhận công lao cho Chánh đội trưởng suất đội - Cai đội tinh binh Trần Văn Nhiêu do hậu duệ họ Trần ở thôn Phú Xuân, xã Hoài Mỹ lưu giữ đến nay là một trong những tư liệu quý hiếm được tìm thấy ở tỉnh Bình Định, liên quan đến lực lượng thủy binh được nhà nước thành lập để quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thiết nghĩ ngành chức năng và chính quyền địa phương nên có giải pháp hỗ trợ gia tộc bảo quản những tư liệu này, cũng như nghiên cứu, làm rõ thêm để bổ sung vào kho tàng di sản Hán Nôm ở Bình Định còn lưu giữ trong dân gian, nhất là tư liệu Hán Nôm liên quan đến việc quản lý, bảo vệ cương vực của Tổ quốc.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN