Thúc đẩy hợp tác Nghị viện giữa Việt Nam và Nhật Bản đi vào thực chất
Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 3 - 7.12.
Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác của Quốc hội nước ta với Nghị viện Nhật Bản; khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động Nghị viện giữa Việt Nam và Nhật Bản; đặc biệt tạo xung lực mới cho đà phát triển của quan hệ hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài (năm 2002) lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2009), Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2014) và Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại Châu Á và trên thế giới (ngày 27.11.2023).
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có nền tảng tốt đẹp và nhiều lợi ích chung, đạt đồng thuận cao và sự ủng hộ trong nội bộ Nhật Bản và các chính Đảng lớn. Tin cậy chính trị được duy trì ở mức cao thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 khoảng 27,5 tỷ USD, chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 8, Nhật Bản có 5.417 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,3 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về thương mại, 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 30,47 tỷ USD, tăng 5,07% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 14,37 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục là trụ cột quan trọng của hai nước. Hai bên chủ trương thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị an ninh trên biển; từng bước tiến hành giao lưu, tham gia huấn luyện chung với các lực lượng của Nhật Bản và quốc tế; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hợp tác lao động; hợp tác giáo dục đều được đẩy mạnh. Đặc biệt, hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 110 văn bản hợp tác, trong đó các cặp quan hệ tiêu biểu như TP Hồ Chí Minh - Osaka, Nagano; Hà Nội - Fukuoka, Tokyo; Đà Nẵng - Sakai, Yokohama; Phú Thọ - Nara; Huế - Kyoto; Quảng Nam - Nagasaki; Hưng Yên - Kanagawa; Hải Phòng - Niigata.
Hai bên đã ký kết và triển khai Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biển đối khí hậu của Việt Nam.
Về quan hệ Quốc hội Việt Nam - Nghị viện Nhật Bản, cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp.
Trên phương diện song phương, hai bên thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trao đổi kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn và các nghị sĩ, góp phần thiết thực vào việc triển khai và thúc đẩy các thỏa thuận của hai nước, tạo sự lan tỏa và hỗ trợ hoạt động của Chính phủ, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, bảo đảm hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản.
Ngoài trao đổi đoàn cấp cao và giữa các cơ quan chuyên môn, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản thúc đẩy giao lưu nghị sĩ trong khuôn khổ Nghị sĩ hữu nghị và Nghị sĩ trẻ, nữ Nghị sĩ Quốc hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cùng với Liên minh Nghị sĩ Nhật Bản - Việt Nam luôn đóng vai trò cầu nối tích cực, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, giao lưu giữa các nghị sĩ, hợp tác địa phương đi vào chiều sâu, thực chất.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm hiện thực hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững, nhằm cụ thể hóa những nội hàm mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Nhật Bản. Qua đó củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác hiệu quả thực chất giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt tại chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản sẽ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp.
"Tôi cho rằng đây là tiền đề rất quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác song phương, cũng như tại các diễn đàn đa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước", bà Hà cho hay.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được lãnh đạo hai nước đặc biệt coi trọng và đánh giá cao, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thành công tốt đẹp, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước.
Theo Lê Tuyết (VOV)