Quan tâm các chế độ, chính sách cho người có uy tín
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó đội ngũ này có động lực phát huy sở trường, vai trò trong nhiều lĩnh vực, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Hạt nhân đoàn kết
Đều đặn hằng tuần, ông Thanh Kim Lĩnh (dân tộc Chăm, người có uy tín ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ cấp phát miễn phí Báo Bình Định, Báo Dân tộc và Phát triển. Qua hai nguồn thông tin chính thống này, ông Lĩnh đã kịp thời nắm bắt tình hình thời sự trong và ngoài tỉnh, những chính sách phù hợp để vận dụng vào việc vận động giúp người dân trong làng cùng hiểu, làm theo, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động.
Ông Thanh Kim Lĩnh (thứ hai từ phải qua), người có uy tín làng Canh Thành (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) vận động người dân hiến đất, cây trồng để làm đường vào khu sản xuất Suối Beo. Ảnh: T.C
Ông Lĩnh chia sẻ, những năm trước đây, tuyến đường từ làng dẫn vào khu sản xuất Suối Beo bị hư hỏng nặng. Tháng 2.2024, UBND xã Canh Hòa có kế hoạch xây dựng mới tuyến đường theo dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG); song, nhiều người dân trong làng không muốn bàn giao mặt bằng để làm đường vì muốn được đền bù.
“Thường xuyên đọc Báo Bình Định, tôi nắm bắt và hiểu rõ chủ trương của Nhà nước là địa phương không đền bù cho người dân khi triển khai dự án của Chương trình MTQG, mà phải dựa vào sức dân tự nguyện đóng góp là chính. Bởi vậy, tôi và Ban Quản lý làng đã phổ biến, vận động để người dân hiểu cặn kẽ về chương trình. Nhờ đó, có 9 hộ dân tự nguyện hiến trên 1.500 m2 đất, hàng trăm cây trồng để làm đường. Đến tháng 5.2024, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng”, ông Lĩnh nói.
Bà Võ Thị Hiểu (ở làng Canh Thành) cho hay: “Được người có uy tín và Ban Quản lý làng vận động nên tôi hiểu chủ trương của Nhà nước làm đường là để cho người dân đi lại thuận tiện, phục vụ phát triển sản xuất. Vì thế, gia đình tôi đã tự chặt keo, hiến gần 350 m2 đất lâm nghiệp để tuyến đường được thi công. Từ ngày đường hoàn thành, bà con trong làng đi làm, vận chuyển lâm, nông sản thuận tiện hơn hẳn”.
Tương tự, nhờ được cấp Báo Bình Định, Báo Dân tộc và Phát triển miễn phí, ông Đinh Yang King (dân tộc Bana, người có uy tín làng Tờ Lék, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) nắm rõ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chính sách của tỉnh để vận động nhân dân trong làng đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng làng văn hóa… đạt nhiều kết quả quan trọng.
Sự quan tâm thiết thực
Toàn tỉnh hiện có 121 người có uy tín tại 121 thôn, làng, khu phố trong vùng dân tộc thiểu số. Riêng năm 2023, thực hiện tiểu dự án 1 về biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào (thuộc dự án 10, Chương trình MTQG), Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai đa dạng các hoạt động chính sách chăm lo cho người có uy tín, với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng.
Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà dịp tết Nguyên đán cho 100% người có uy tín; thăm, tặng quà cho người có uy tín đau ốm, bệnh tật; cấp phát Báo Bình Định và Báo Dân tộc và Phát triển miễn phí; tổ chức đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các huyện, thị xã trong tỉnh và các tỉnh, thành phía Nam về phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc.
Ông Đinh Chương (dân tộc Bana, người có uy tín làng K7, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) tâm sự: “Vừa rồi, tôi không may bị bệnh và điều trị tại BVĐK tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã đến thăm, tặng quà và động viên tôi sớm khỏi bệnh. Được các cấp quan tâm tận tình như thế, tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong vận động người dân cùng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Ngoài ra, thực hiện tiểu dự án 1, Ban Dân tộc tỉnh, phòng Dân tộc các huyện còn tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải cho hơn 900 lượt người tại huyện Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh…
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong công tác phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín. Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ này cùng tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH ở các địa phương; đẩy mạnh nêu gương điển hình, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động người dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tỉnh, tạo ra phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh.
TRIỀU CHÂU