Quyết liệt, dứt điểm, tiên phong trong giảm nghèo - Kỳ cuối: Khát vọng thoát nghèo - động lực hướng tới tương lai
Trong hành trình thoát nghèo, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng có vai trò động lực thúc đẩy. Song, khát vọng tự vươn lên của người dân mới là chìa khóa dẫn đến ngày mai tươi sáng một cách bền vững. Đó là ngọn lửa giúp mỗi hộ nghèo quyết tâm thay đổi cuộc sống, quyết tâm thoát nghèo từ nhận thức đến hành động.
Hỗ trợ phương tiện sinh kế
Thực hiện Nội dung số 1 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện An Lão đã phân bổ nguồn vốn cho UBND các xã để hỗ trợ con giống, cây giống giúp hộ nghèo phát triển kinh tế.
Tại xã vùng cao An Toàn, có 181 hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ từ chương trình này với 36 con trâu, 165 con heo đen sinh sản, gần 46.900 cây dứa, gần 7.000 cây chuối giống và các lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT.
Ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã An Toàn, nhìn nhận: Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thời gian qua, theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, chính quyền xã nỗ lực định hướng để bà con thay đổi tư duy trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Được ví như chiếc phao cứu sinh giúp hộ nghèo có cơ hội khởi đầu, cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống, vốn vay từ Ngân hàng CSXH đã tạo động lực cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ 32.265 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách khác vay tổng cộng hơn 1.600 tỷ đồng.
Được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, anh Đoàn Văn Thương (dân tộc Chăm, 27 tuổi, ở làng Kà Te, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) mua 3 con bò cái giống sinh sản. Sau 4 năm chăm sóc bài bản và đúng kỹ thuật, đến nay đàn bò của anh Thương phát triển lên 14 con; mỗi năm anh bán 5 con bò thu về gần 70 triệu đồng, nhờ đó đã trở thành hộ khá. Từ thực tế của việc nuôi bò, anh mạnh dạn vay thêm từ Ngân hàng CSXH để trồng 4 ha keo.
Ông Lê Văn Năng (thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão) chăm sóc đàn heo đen của mình. Ảnh: D.Đ
Liên kết, giúp đỡ nhau
Nhằm giúp cải thiện kinh tế gia đình và giảm nghèo bền vững, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều mô hình tổ liên kết phát triển kinh tế như tổ đan nhựa giả mây, tổ nấu ăn phục vụ đám tiệc, tổ tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo...
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN TX An Nhơn, năm 2024, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho 53 phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo. “Tùy nhu cầu, điều kiện của từng hộ mà có hình thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Chẳng hạn, hộ ở nơi tập trung đông dân cư, chúng tôi trao máy ép nước mía, bàn ghế để bán đồ ăn, nước giải khát; những chị em đã học may, chúng tôi trao máy may; phụ nữ có điều kiện chăn nuôi được hội trao con giống…”.
TX An Nhơn đặt mục tiêu không còn hộ nghèo vào ngày 1.1.2025. Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã, đầu năm 2024, thị xã có 787 hộ nghèo, cận nghèo thiếu việc làm. Đến nay, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp như: Hỗ trợ 127 hộ tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (kinh phí 5,574 tỷ đồng), cung cấp công cụ sản xuất cho 32 hộ, chuyển đổi nghề cho 323 lao động…
Tháng 4.2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai mô hình “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo ở khu vực biên giới biển”. Đến tháng 10.2024, các đồn biên phòng đã hỗ trợ 504 hộ nghèo. Tổng kinh phí hỗ trợ hộ nghèo từ các nguồn đạt 681 triệu đồng, cùng 1.960 ngày công lao động.
Để phát triển bền vững, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng Đề án “Mỗi tuần giúp đỡ một hộ nghèo ở khu vực biên giới biển” trình UBND tỉnh triển khai toàn tỉnh, đặt mục tiêu giúp đỡ 465 hộ nghèo trong quý IV/2024 và năm 2025. Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, khẳng định: Dù kinh phí không lớn, Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng thời gắn kết cán bộ, chiến sĩ với nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Các mô hình giúp đỡ nhau thoát nghèo không chỉ là giải pháp hỗ trợ vật chất mà còn là cách thúc đẩy sự đoàn kết, lan tỏa giá trị nhân văn, xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh.
Khuyến khích tự lực, tự cường
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Đinh Thị Chúc (28 tuổi, dân tộc Bana, ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) đúng lúc chị đang hướng dẫn phụ nữ trong làng áp dụng kỹ thuật canh tác mì năng suất cao. Chị Chúc cho biết, 4 năm gần đây, gia đình chị đã cải tạo đất, trồng 1 ha mì cao sản, 1 ha cây mắc ca, 4 ha keo, gầy đàn gia súc được 7 con trâu và đàn heo đen 4 con…, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Tháng 1.2024, sau khi kinh tế ổn định, chị Chúc cùng gia đình tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Là đảng viên và Chi hội trưởng phụ nữ làng, chị muốn làm gương để phụ nữ trong làng phấn đấu thoát nghèo, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ mãi.
Chị Đinh Thị Chúc (bên trái, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) hướng dẫn người dân cách bón phân trồng mì cho năng suất cao. Ảnh: D.Đ
Gia đình chị Đinh Thị Viếc (41 tuổi, dân tộc Bana ở làng K2), là hộ nghèo nhiều năm, một mình chị nuôi hai con nhỏ với thu nhập từ 1 ha keo, 1 con bò và tiệm tạp hóa nhỏ. Cuốn sổ hộ nghèo được chị gìn giữ như tài sản quý bởi nhờ đó, gia đình hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm học phí, tiền điện, BHYT… Vậy mà, năm 2024, chị tự nguyện xin thoát nghèo. Chị chia sẻ: “Nhiều năm thiếu thốn, tôi từng sợ mất hỗ trợ, nhưng nghĩ lại, còn sức khỏe, có đất, không thể cứ trông chờ, phụ thuộc; phải để Nhà nước giúp đỡ những hộ khác nữa!”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Đinh Văn Ngái, đến năm 2024, xã có 365 hộ thoát nghèo, cận nghèo; đặc biệt, 21 hộ ở làng K2 mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo. Chính quyền đã trực tiếp thẩm tra thu nhập và mức sống trước khi ghi nhận nguyện vọng, đảm bảo đúng thực tế từng hộ.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung chia sẻ, các hộ tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo không hẳn vì đã khá giả, mà vì ý thức tự vươn lên. Tư duy này đang lan tỏa, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống dưới 6% vào năm 2025.
Huyện nghèo An Lão cũng ghi nhận 12 trường hợp người dân xã An Dũng mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo, được ví như một luồng gió tự lực, tự cường trên địa bàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm nhấn mạnh, giảm nghèo bền vững phải bắt đầu từ chính sự nỗ lực của các hộ dân. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường thực hiện các chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, chăn nuôi, đào tạo việc làm và xuất khẩu lao động, góp phần xây dựng huyện trung bình khá vào năm 2025.
Kết quả tích cực
Việc triển khai các chính sách, giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao độ và sự chung sức từ nhiều phía, công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 1,02% (với 4.521 hộ), giảm 2,11% so với năm 2023, đã có 9.313 hộ nghèo thoát nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,18% (9.717 hộ), giảm 0,84% so với năm 2023, đã có 3.609 hộ thoát cận nghèo.
Cơ sở hạ tầng địa bàn huyện nghèo, vùng nghèo được đầu tư tăng cường và củng cố. TP Quy Nhơn và TX Hoài Nhơn đã xóa hộ nghèo.
N.MUỘI - D.ĐĂNG - T.KHUY