Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới
Tại Hướng dẫn số 127-HD/BTGTU ngày 18.11.2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Xuân Ánh, thực hiện Hướng dẫn số 155-HD/BTGTW ngày 14.5.2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn thực hiện công tác này.
Chỉ thị số 30-CT/TW được Trung ương ban hành nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; khẳng định tuyên truyền miệng là phương thức tuyên truyền có tính đặc trưng và ưu thế trong bối cảnh thông tin phức tạp, đa chiều như hiện nay.
• Đồng chí có thể đánh giá những kết quả đạt được qua thực hiện công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh?
- Phải nói rằng, tuyên truyền miệng là một hình thức tuyên truyền đặc thù trong công tác tư tưởng của Đảng; một trong những kênh thông tin trực tiếp không chỉ chuyển tải những thông tin chính thống, mà còn giải thích cho đảng viên và nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ, qua đó ủng hộ và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, các cấp ủy trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng hoạt động. Hiện, toàn tỉnh có 436 báo cáo viên các cấp, trong đó có 5 báo cáo viên Trung ương, 49 báo cáo viên Tỉnh ủy, 382 báo cáo viên cấp huyện và 2.914 tuyên truyền viên cơ sở.
Đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII; báo cáo tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KT-XH năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 1.12, tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.H
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền miệng đã tập trung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN... Nội dung thông tin bảo đảm được tính khoa học, tính thời sự, tính định hướng.
Nội dung, hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền miệng từng bước được đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.
• Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiệu quả công tác tuyên truyền miệng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vậy đâu là nguyên nhân, thưa đồng chí?
- Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên khách quan nhìn nhận, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn có mặt hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tuy đông nhưng chưa mạnh, chất lượng không đồng đều; năng lực, kỹ năng tuyên truyền của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn có mặt hạn chế.
Hình thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn nặng về tuyên truyền một chiều từ trên xuống; ít chú trọng trao đổi, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cơ sở vật chất ở một số địa phương, đơn vị chưa đáp ứng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn phát tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân, tháng 11.2024. Ảnh: CÔNG CƯỜNG
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hầu hết đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động kiêm nhiệm và thường xuyên có sự thay đổi. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này chưa được thường xuyên...
• Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, đâu là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian đến?
- Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, thực hiện Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát với thực tiễn. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền miệng.
Xác định những nội dung tuyên truyền trọng yếu để tập trung đổi mới, nhất là đổi mới trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lan tỏa những giá trị đạo đức, nhân văn, liêm chính trong Đảng và trong xã hội; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Tổ chức kiện toàn đội ngũ báo cáo viên 3 cấp, tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả. Duy trì nghiêm túc việc tổ chức hội nghị báo cáo viên các cấp theo quy định (1 hội nghị/tháng).
Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị để tham mưu cho cấp ủy tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện và tương đương, cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp xã và đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở…
• Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)