Tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất của nông dân
Triển khai Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã tổ chức và hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho rằng, điều phấn khởi nhất là đã có sự chuyển biến về tư duy sản xuất trong nhiều nông dân.
• Đến nay, tiến độ thực hiện các phần việc liên quan đến Chương trình hành động số 11-CTr/TU như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã triển khai 9 trong tổng số 11 mô hình được giao, đạt 81,8% kế hoạch, bao gồm 4 mô hình duy trì và 5 mô hình xây dựng mới.
Các mô hình duy trì đều ở năm thứ 2. Trong đó, mô hình sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1 ha/18 hộ tại xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), dùng giống hành hương Mỹ Thọ, năng suất hành củ đạt 98,1 tạ/ha, cho lợi nhuận 149,66 triệu đồng/ha.
Những mô hình mới đều triển khai năm thứ nhất, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đáng chú ý, mô hình thâm canh đậu phụng gắn liên kết chuỗi có sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích 10 ha ở huyện Phù Cát. Trong đó, lần đầu tiên 14 hộ nông dân Cát Lâm trồng đậu phụng vụ Thu Đông (trước đây chỉ trồng vụ Đông Xuân); kết quả năng suất đậu phụng tươi đạt 75,6 tạ/ha, lãi 55,14 triệu đồng/ha, cao hơn khá nhiều so với một số loại cây trồng khác trên cùng chân đất, mùa vụ.
• Ông đánh giá thế nào về kết quả các mô hình này?
- Nhìn chung, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã góp phần tăng năng suất tại các mô hình hơn 10%; hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với sản xuất đại trà.
Việc thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương.
• Trên thực tế, việc khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang gặp nhiều khó khăn, vì vẫn còn nhiều người muốn canh tác như xưa nay vẫn làm…
- Đúng vậy. Tôi cho rằng, trước hết phải hiểu đúng bản chất của “công nghệ cao” để thấy nó không xa vời như nhiều người vẫn nghĩ.
Về bản chất, công nghệ cao tức là áp dụng một kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, đẩy mạnh sự tăng trưởng, phát triển hoặc thay đổi tính năng để cây trồng, vật nuôi đơm nhiều hoa, kết nhiều trái, đẻ nhiều lứa, nhiều con hơn trước đây thôi.
Nông dân xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) phấn khởi với mô hình trồng đậu phụng trái mùa cho năng suất tốt, giá bán lại cao hơn vụ chính. Ảnh: N.T
Hiểu tâm lý “thấy khó” nên ngại với công nghệ cao của nông dân, thời gian qua, Trung tâm đã tiến hành thực hiện 2 sự thay đổi. Thứ nhất là đổi mới công tác tập huấn, không còn chuyện trao đổi một chiều nữa, mà mọi thông tin đáp ứng đúng điều nông dân muốn nghe và có sự trao đổi trực tiếp nhằm tháo gỡ băn khoăn, thuyết phục nông dân triển khai mô hình. Thứ hai là “nói có sách mách có chứng”, vì với nông dân, phải làm cho họ thấy họ mới tin. Trên thực tế, một số buổi tập huấn gần đây, chúng tôi dự kiến khoảng 70 người dự nhưng có hơn 100 người đến. Từ hiệu quả đã làm ở địa phương khác, càng về sau các mô hình do Trung tâm triển khai càng thu hút thêm nhiều nông dân đăng ký tham gia.
• Theo ông, triển khai Chương trình hành động số 11-CTr/TU sẽ mở ra điều gì và cần làm gì để tiếp tục phát huy ý nghĩa?
- Thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất của nông dân là điều rất quan trọng, nhưng việc này không chỉ riêng Trung tâm hay Sở NN&PTNT làm được mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Bởi kinh phí của tỉnh cấp cho Trung tâm hằng năm không cho phép triển khai dàn trải, làm ở nhiều điểm, mà thông thường mỗi huyện một điểm. Từ hiệu quả của điểm đó, chính quyền xã, huyện nên chủ động quan tâm phổ biến mô hình đến với nhiều bà con nông dân, tìm cách nhân rộng ra sao cho phù hợp với điều kiện của mình.
Chương trình giúp bà con áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, hiệu quả trên cây trồng, qua đó giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đầu ra; đây chính là điều quan trọng nhất trong thành công của Chương trình. Quá trình triển khai mô hình, có những vùng đất, vụ mùa nông dân lâu nay không sản xuất, nhưng chúng tôi chứng minh cho họ thấy, họ vẫn có thể làm được. Chương trình cũng tạo hình dung về thực trạng đất sản xuất của tỉnh, việc phải làm thế nào nếu muốn cơ giới hóa trong sản xuất để giảm công lao động nhưng tăng cao lợi nhuận.
Cái khó hiện nay là đất sản xuất của tỉnh còn manh mún nhỏ lẻ, muốn áp dụng thành công công nghệ cao thì đất phải được quy hoạch. Còn nhớ, cách đây mấy năm, việc triển khai máy gặt đập liên hợp còn khó khăn, nhưng nay có thể chạy khắp đồng ruộng trong tỉnh rồi. Vấn đề là cần có sự cải tiến để phù hợp với diện tích thực tế của tỉnh. Tôi nghĩ, dần dần mọi việc sẽ thay đổi, sẽ làm được, nhất là khi nông dân đang có xu hướng trẻ hóa…
• Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)