Chủ động phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tội phạm về kinh tế, tham nhũng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chiếm 50,2% số vụ. Trước thực tế này, các cơ quan tố tụng đã chủ động biện pháp ngăn chặn loại tội phạm này.
Năm 2024, tình hình tội phạm tăng hơn so với cùng kỳ, trong đó tội phạm về kinh tế, tham nhũng tăng nhiều nhất. Cụ thể, ngành chức năng đã khởi tố mới 645 vụ/585 bị can, tăng 73 vụ/54 bị can so với cùng kỳ, đáng chú ý có nhiều nhóm tội tăng cao như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chủ yếu trên không gian mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn như lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo tài sản qua mạng viễn thông, internet, giả danh cơ quan thực thi pháp luật…) xảy ra 131 vụ (tăng 27 vụ); lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản 17 vụ (tăng 9 vụ)…
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng cũng có chiều hướng tăng với các hành vi vi phạm như lợi dụng chức vụ, quyền hạn tạo ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay đưa và nhận hối lộ, tham ô tài sản. Như vụ Nguyễn Thị Lệ Chi (ở TP Quy Nhơn) là nhân viên kế toán của một ngân hàng lợi dụng vị trí, nhiệm vụ công việc được giao đã lập khống 8 chứng từ tiền mặt, rút hơn 26 tỷ đồng của ngân hàng...
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1983, ở TP Quy Nhơn) đã bị TAND tỉnh tuyên phạt 12 năm tù giam vì hành vi lừa đảo bán đất dự án chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng của các nạn nhân. Ảnh: K.A
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng cho biết, trong năm 2024, Viện KSND tỉnh đã kiểm sát việc khởi tố 8 vụ/8 bị can (tăng 6 vụ/2 bị can) liên quan tham nhũng, chức vụ. Trong đó số vụ khởi tố mới về tham ô tài sản chiếm 50% và phần lớn các hành vi tham nhũng được thực hiện bởi những cá nhân thuộc các công ty tư nhân, DN ngoài nhà nước dưới hình thức biển thủ tiền thông qua các hợp đồng, thỏa thuận cung cấp dịch vụ, hàng hóa...
Cuối tháng 11 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Ban Pháp chế HĐND tỉnh với CA tỉnh và Viện KSND tỉnh để thẩm tra về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hồng Sơn cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để một số cá nhân lợi dụng phạm tội; một bộ phận người dân còn lơ là, mất cảnh giác và chưa hiểu hết pháp luật, sự phát triển của công nghệ khiến cho tội phạm về kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao lợi dụng để hoạt động phạm tội. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, tùy từng nhiệm vụ, chức năng cần có những giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân, chủ động đề xuất kinh phí để trang bị máy móc, thiết bị và nhân lực phục vụ công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao cũng như đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm liên quan.
Với vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, Viện KSND 2 cấp đã và đang chủ động phối hợp với cơ quan điều tra cùng cấp xử lý vụ việc ngay từ đầu, giám sát kỹ tiến độ vụ việc để kịp thời kiến nghị, yêu cầu, đề xuất nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, tránh tình trạng bỏ trốn hay tẩu tán tài sản.
Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, lãnh đạo CA tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và CA các đơn vị, địa phương luôn chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời nhận diện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, các hành vi vi phạm, tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là những thủ đoạn phạm tội của nhóm tội phạm công nghệ cao; thường xuyên trao đổi thông tin tình hình với các sở, ban, ngành để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, tham nhũng trọng điểm. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng bảo đảm thận trọng, khách quan, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới.
KIỀU ANH