Tây Sơn & những cuộc đổi đời từ nước
Trong câu chuyện về sự đổi thay, phát triển của quê hương hôm nay, người dân Tây Sơn quê tôi chắc chắn sẽ nói nhiều đến những tiện lợi, đột phá nhờ việc có nước sạch để dùng, có nước để sản xuất. Câu chuyện về nước, về những dòng chảy của sự sống và hồi sinh, của vươn mình trỗi dậy hôm nay trên vùng đất hừng hực khí thế áo vải cờ đào năm xưa, cứ thế được khơi ra, tuôn trào…
Nhờ đập dâng Phú Phong, sông Côn thường xuyên khô cạn nay lại đầy ắp nước, gợi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của quê hương. Ảnh: ĐINH NGỌC
Nước sạch và niềm hạnh phúc giản dị
Hồi mới về làm dâu Tây Sơn, tôi thấm thía cái cảnh khổ sở khi sống thiếu nước. Ngày ấy, ở quê chồng tôi, mùa nào cũng thiếu nước. Những tháng nắng gay gắt, giếng khoan, giếng đóng đều khô, bà con phải đi xa hàng cây số, dùng can, xô mua nước chở về, hoặc gánh nước từ sông suối về dùng, bất chấp hiểm họa từ thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Trẻ con quê tôi cũng vì thiếu nước mà còi cọc, những chiếc răng sữa chuyển thành màu đất. Nhìn trẻ thơ cười mà thấy thiêu thiếu niềm vui.
Nhưng từ năm 2014, được sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và sự đầu tư của tỉnh, công trình cấp nước sạch và vệ sinh Tây Giang được xây dựng, cung cấp nước sạch cho hơn 3.500 hộ dân ở 2 xã Tây Giang và Tây Thuận, trong niềm vui khôn tả của người dân địa phương.
Bà Lê Thị Hằng, ở xã Tây Thuận, cho biết: Bây giờ nước sạch theo đường ống chảy về đến tận nhà, chúng tôi không còn phải lo toan sau mỗi buổi làm đồng lại đi gánh từng xô nước về dùng. Ngày xưa tôi với nhiều chị ở đây từng ao ước vậy. Ước mà không thể nào nghĩ thành hiện thực nhanh như thế!
Niềm vui có nước sạch lan rộng đến các hộ dân trong huyện khi Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng phạm vi cung cấp nước của nhà máy nước Vĩnh An - Bình Tường, cấp nước sạch cho 2.364 hộ dân và các cơ quan, DN trên địa bàn xã Tây Phú vào năm 2020. Tháng 9.2023, Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Bình Nghi có mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng, do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư, công suất 2.500 m3/ngày được đưa vào hoạt động, cấp nước sạch cho khoảng 800 hộ dân của xã Bình Nghi.
Chính vì sự cần thiết của nước sinh hoạt, trên hành trình lên thị xã, Tây Sơn tiếp tục chú trọng đầu tư nâng công suất cấp nước của các nhà máy nước Phú Phong, Lý Phương…, nhằm đảm bảo cấp đủ nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Huyện cũng đã lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh triển khai dự án nâng cấp nhà máy nước Tây Giang - Tây Thuận để mở rộng mạng lưới cấp nước ở thôn Hữu Giang (Tây Giang) và xã Bình Thành; xây dựng mới nhà máy cấp nước phía Bắc huyện…
Thế là lời đáp cho niềm ao ước nước sạch tỏa lan khắp Tây Sơn!
Một góc Phú Phong trời mây sông nước hữu tình. Ảnh: ĐINH NGỌC
Bay cao khát vọng đổi đời
Tôi có nhiều dịp rong ruổi trên các cánh đồng quê, có cơ hội cảm nhận sâu sắc hơn niềm vui của người dân bên những kênh, mương đầy ắp nước tưới. Nước sinh hoạt là niềm ao ước, còn nước tưới là bệ phóng của những khát vọng đổi đời.
Có lẽ người dân xã Bình Thuận là những người nhớ hơn ai hết câu chuyện chờ nước ngày xưa. Cụ Võ Trường Tài (81 tuổi, ở thôn Thuận Hạnh) kể: Trước năm 2014, ai làm nông ở đây đều mong nước trời. Mỗi năm 1 vụ lúa, năm nào có nước thì còn có hạt lúa để ăn; năm nào mưa muộn, đồng ruộng khô hạn, nứt nẻ, những hạt mầm khô quắt dưới cái nắng như thiêu đốt. Chỉ cần một vệt mây đen trên nền trời cũng làm người nông dân mừng khấp khởi…
Ấy vậy mà, khi hệ thống hồ - kênh mương thủy lợi Thuận Ninh - Văn Phong hoàn thành, không chỉ dân Bình Thuận mà dọc dài hệ thống thủy lợi, nước tưới luôn ăm ắp, đủ cho dân mở rộng diện tích sản xuất lúa, chuyển đổi hàng trăm héc ta đậu phụng.
Sau Văn Phong - Thuận Ninh, hệ thống kênh tưới Thượng Sơn và nhiều trạm bơm khác ở xã như trạm bơm đồng Chà Rang, trạm bơm Thuận Hạnh - Thuận Hiệp cũng mọc lên, mở rộng vùng canh tác được đảm bảo nước tưới… Bây giờ, hạt gạo không còn là điều bận tâm lo nghĩ, nông dân còn có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi mùa từ cây đậu phụng.
Tôi đi dọc hệ thống Văn Phong - Thuận Ninh, rẽ vào những cánh đồng theo những con mương…, ở đâu cũng nghe câu chuyện “điều không thể đã thành có thể”. Những năm khốn khó mới đây thôi mà giờ nghe kể cứ như chuyện cổ tích.
Năm 2021, hôm nghe tin ĐBQH Lê Kim Toàn về tiếp xúc với cử tri huyện, cụ Tài cùng mấy chục cụ cao niên kỷ không ngại chuyện tuổi cao, sức yếu về đến thị trấn Phú Phong, giáp mặt cầm tay chỉ để nói lời cảm ơn sâu sắc của người dân đến Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định vì những cam kết của các đại biểu đã thành hiện thực.
“Chúng tôi muốn trực tiếp nói lời cảm ơn những ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhất là cảm ơn ông Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đã trực tiếp về tận thôn, nghe bà con trình bày, lội ra tận ruộng để đối chiếu, thực chứng lời trần tình của cử tri. Từ đó, các đại biểu đã hết sức hết lòng can thiệp để dự án xây dựng trạm bơm tưới đồng Chà Rang thành hiện thực, đưa nước về tưới cho nhiều diện tích lúa và rau màu ở xã Bình Thuận, biến khát vọng làm giàu của nông dân chúng tôi thành hiện thực”, chuyện từ năm 2021 mà giờ kể lại, cụ Tài vẫn thấy rưng rưng.
Thay vì phó mặc cho trời như trước, giờ đây 300 ha đất của xã viên HTX Nông nghiệp Thượng Giang đã có thể trồng lúa ăn chắc, không chỉ vậy, bà con còn chuyển sang trồng đậu phụng tại một số chân đất rất thành công.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Giang, trịnh trọng xác nhận: Hơn 40 ha đậu phụng tươi tốt áp dụng quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP đã cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến sản phẩm dầu phụng OCOP 3 sao của HTX. Nước từ kênh tưới Thượng Sơn đã biến nhiều thửa đất “chết” thành những cánh đồng tốt nhất; những đồng mía, mì kém hiệu quả chuyển qua trồng đậu phụng “ngay lập tức” lãi 30 - 40 triệu đồng/ha, điều trước khi có kênh tưới Thượng Sơn không ai dám mơ. Chuyện cảm ơn những ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là có thật và đó là chân tình của bà con, hoàn toàn không có chuyện “làm màu” đâu.
Nhờ có kênh tưới Văn Phong, người dân xã Bình Thuận đã khá lên nhiều khi trồng đậu phụng. Ảnh: ĐINH NGỌC
Nước và cơ hội mới về du lịch
Những ngày qua, khi đập dâng Phú Phong bắt đầu giữ nước, nhiều người dân địa phương đã đến check-in, thưởng ngoạn phong cảnh trời mây sông nước hữu tình. Với người Bình Định, sông Côn không chỉ là nguồn nước mà còn là một dòng trầm tích lịch sử - văn hóa. Sau nhiều thăng trầm, sông Côn nhiều năm trơ trọi sỏi cát nay lại đầy ắp nước, khiến người ta nghĩ về một vùng không gian xưa cũ, khi có thể mường tượng bến cũ Trường Trầu, nơi Nguyễn Nhạc từng giao lưu buôn bán, mở rộng tầm nhìn, thấu hiểu nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân, từ đó dễ dàng vận động, liên kết các lực lượng tham gia khởi nghĩa.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, cho biết, công trình đập dâng Phú Phong có ý nghĩa hết sức đặc biệt với sự phát triển của huyện. Cùng với thi công đập dâng, huyện Tây Sơn đã đầu tư 100 tỷ đồng làm hệ thống đường giao thông kết nối từ QL 19 đến QL 19B qua đập dâng Phú Phong, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.
Khi đập dâng Phú Phong và hệ thống đường giao thông kết nối hoàn thành, huyện tiến hành quy hoạch các khu đô thị ở các xã phía Bắc như Bình Thành, Bình Hòa, Tây Bình… Cùng với đó, huyện cũng quy hoạch quỹ đất dọc hai bên bờ sông Côn để phát triển các khu đô thị mới, thu hút các dự án du lịch, thương mại, dịch vụ… Vừa qua, huyện cũng đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Thuận Nghĩa (Phú Phong) đến năm 2025, cùng với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực, du lịch văn hóa địa phương…
Cả một vùng không gian thấm đẫm lịch sử hào hùng trăm năm xưa kia đang theo con nước mừng vui trở lại với hôm nay.
ĐINH NGỌC