Xây dựng quê hương phát triển, quan tâm đời sống nhân dân
Kỳ họp thứ 20, HÐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, góp phần phát triển KT-XH tỉnh. Báo Bình Ðịnh trân trọng giới thiệu 3 nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực đô thị, y tế, chăn nuôi.
Đẩy nhanh tốc độ và chất lượng phát triển đô thị đến năm 2035
Nghị quyết về việc thông qua chương trình phát triển đô thị Bình Định đến năm 2035 có các mục tiêu tổng quát: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có tính liên kết với cả vùng, khu vực và cả nước; Kết cấu cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại; Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững và là trụ cột trong phát triển KT-XH toàn tỉnh; Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
TP Quy Nhơn được đầu tư phát triển để trở thành đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Đồng thời làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển đô thị, xác định khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cho từng giai đoạn, đề xuất cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư theo mục tiêu xây dựng đô thị trong quy hoạch đã được phê duyệt.
Mục tiêu сụ thể đến năm 2025, hệ thống đô thị tỉnh có 21 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn), 2 đô thị loại III (TP An Nhơn, TX Hoài Nhơn), 1 đô thị loại IV (đô thị Tây Sơn), 17 đô thị loại V. Đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh có 21 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn), 2 đô thị loại III (TP An Nhơn, TP Hoài Nhơn), 3 đô thị loại IV (TX Tây Sơn, TX Tuy Phước, thị trấn Cát Tiến), 15 đô thị loại V. Đến năm 2035, hệ thống đô thị tỉnh có 18 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn), 2 đô thị loại III (TP An Nhơn, TP Hoài Nhơn), 3 đô thị loại IV (TX Tây Sơn, TX Tuy Phước, TX Phù Cát), 12 đô thị loại V.
Một góc thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển đô thị tỉnh qua 3 giai đoạn 2025 - 2030 - 2035 lần lượt là: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 55% - trên 60% - trên 76%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 10% - 11% - trên 11%. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 11% - 16% - trên 16%. Diện tích cây xanh đô thị bình quân trên mỗi người dân đạt 6 m2 - 10 m2 - trên 10 m2. Tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt 90% - 95% - trên 95%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 30 m2 - 33 m2 - trên 33 m2.
• Ông TRẦN VĂN NHẪN, nguyên Chủ tịch ubnd tỉnh:
Phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò các đô thị trong tỉnh
Những năm tới cần tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đô thị các loại III, IV,V trong tỉnh. Ngoài TX An Nhơn sẽ trở thành thành phố năm 2025, thì TX Hoài Nhơn phấn đấu lên thành phố năm 2030, huyện Tây Sơn phấn đấu lên thị xã năm 2030. Đây đều là các địa phương xứng đáng vươn tầm phát triển đô thị từ truyền thống văn hóa - lịch sử, cách mạng, có nhiều tiềm năng, lợi thế.
TP Hoài Nhơn sẽ khẳng định tốt hơn vai trò đầu tàu phát triển kinh tế, du lịch ở khu vực phía Bắc tỉnh. TX Tây Sơn sẽ phát huy vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây của tỉnh, kết nối tốt hơn vùng Tây Nguyên. Phát triển đô thị ở huyện Tuy Phước và các xã phía Đông huyện Phù Cát cũng sẽ hình thành nên các đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn, tạo sự liên kết cùng phát triển đô thị bền vững.
• Bà LÊ THỊ VINH HƯƠNG, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước:
Tuy Phước phấn đấu phát triển đô thị xanh, bền vững
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước hòa chung niềm phấn khởi, hướng đến mục tiêu năm 2030, huyện Tuy Phước phấn đấu lên thị xã, là 1 trong 3 đô thị loại IV của tỉnh.
Trong năm 2025, huyện sẽ tăng cường huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Tập trung hoàn thành lập nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới huyện Tuy Phước đến năm 2045 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; là cơ sở xây dựng Tuy Phước đạt tiêu chí đô thị loại IV trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng để triển khai thực hiện phù hợp với Đồ án quy hoạch chung của địa phương và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện tiếp tục đồng lòng chung sức, quyết tâm thực hiện tốt theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh và của huyện thời gian tới.
• Kiến trúc sư Ðoàn Ðại Hùng, Giám đốc Công ty Tnhh Ðại Thanh (Tp Quy Nhơn):
Đô thị cần được quy hoạch bài bản
Để thực hiện được các mục tiêu trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2035, nhất là khi tỉnh định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần quan tâm nhiều hơn trong việc lập quy hoạch xây dựng đô thị.
Đặc biệt, phát triển đô thị xanh là xu hướng phát triển hệ thống đô thị trên thế giới. Cần phấn đấu thực hiện được như trong Chương trình đã đặt ra chỉ tiêu diện tích cây xanh đô thị bình quân trên mỗi người dân đạt 10 m2 vào năm 2030. Tại các đô thị, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giữ lại những không gian xanh tự nhiên sẵn có, đồng thời tạo thêm những không gian xanh mới.
Điều chỉnh mức giá khám bệnh, chữa bệnh để phù hợp với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng
Nội dung Nghị quyết Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Định thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ BHYT thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bình Định, bao gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm; giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc và oxy sử dụng cho dịch vụ; chi phí thuốc và oxy thanh toán với cơ quan BHXH và người bệnh theo thực tế sử dụng và kết quả mua sắm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm áp dụng cho phòng khám đa khoa khu vực thuộc TTYT; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm áp dụng cho trạm y tế.
Nhân viên y tế BVĐK tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. Ảnh: T.KHUY
Mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Nghị quyết bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương. Trong đó, chi phí tiền lương tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm: Tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng và phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quy định.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 12.12.2024. Riêng người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực tiếp tục được áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của cấp có thẩm quyền trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Nghị quyết này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.
• ông lê quang hùng, Giám đốc Sở Y tế:
Cần thiết và phù hợp với quy định hiện hành
Hiện nay, mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BYT và Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17.11.2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng) đã không còn phù hợp, bởi từ ngày 1.7.2024 tiền lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng lên 2,34 triệu đồng. Mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện nay vẫn chưa tính theo mức lương cơ sở mới gây khó khăn về tài chính cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, nhất là các cơ sở y tế tự chủ chi thường xuyên 100%.
Mặt khác, chi phí về tiền lương và phụ cấp của nhân viên y tế đã tăng thêm khoảng 30% theo lương cơ sở mới, nhưng mức thu và nguồn thu không tăng do mức giá thu không thay đổi. Do vậy, việc xây dựng phương án điều chỉnh mức giá khám bệnh, chữa bệnh để phù hợp với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng là cần thiết và theo quy định hiện hành.
• Ông võ bảo dũng, Phó Giám đốc bvđk tỉnh:
Giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân
BVĐK tỉnh là đơn vị sự nghiệp công thuộc nhóm tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2). Hiện chưa triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu, nên hơn 90% nguồn thu của BVĐK tỉnh là từ thu khám chữa bệnh BHYT, các trường hợp viện phí (không khám chữa bệnh bằng BHYT) cũng thu theo mức giá bằng mức giá có BHYT (trừ một số rất ít các dịch vụ BHYT không thanh toán).
Nghị quyết mới của HĐND tỉnh rất có ý nghĩa đối với BVĐK tỉnh. Thứ nhất, đảm bảo tính hợp lý trong phần chi cho nhân lực trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Thứ hai, giúp BVĐK tỉnh đảm bảo nguồn thu để chi trả tiền lương theo mức lương cơ sở mới. Thứ ba, BVĐK tỉnh có thêm nguồn bổ sung vào quỹ mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế, thiết bị buồng bệnh và các thiết bị phục vụ người bệnh; duy tu, sửa chữa cơ sở hạ tầng. Điều này góp phần quan trọng trong việc đáp ứng kịp thời các nhu cầu của người bệnh nội trú và ngoại trú, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
• Bà nguyễn thị minh tâm, 70 tuổi, ở phường Thị Nại, Tp Quy Nhơn:
Tôi tán thành sự hợp lý của Nghị quyết
Tuổi cao, tôi thường xuyên đau ốm, nên rất quan tâm đến dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tôi nghĩ Nghị quyết rất hợp lý, phù hợp với hiện nay vì sẽ giúp cơ sở y tế có thêm nguồn thu để chi trả cho nhân viên y tế, tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời giúp mọi người ý thức hơn trong việc tham gia BHYT để đảm bảo an sinh xã hội.
Quy định cơ chế hỗ trợ vắc xin tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật
Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ vắc xin tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh áp dụng cho các đối tượng: Người chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ về lĩnh vực thú y trên địa bàn tỉnh.
Tiêm phòng cho đàn bò ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát). Ảnh: N.HÂN
Nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí mua các loại vắc xin (kể cả vắc xin hao hụt trong tiêm phòng theo từng loại vắc xin), bao gồm: Vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm; vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng trâu bò; vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò cho 3 huyện miền núi; các loại vắc xin khác để phòng bệnh thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin do Bộ NN&PTNT quy định.
Hỗ trợ đối với gia súc, gia cầm xảy ra rủi ro do tiêm phòng vắc xin theo các mức cụ thể. Hỗ trợ kinh phí điều tra, dịch tễ, giám sát lưu hành mầm bệnh, giám sát tiêm phòng hằng năm trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ 100% kinh phí tiền công tiêm phòng cho 3 huyện miền núi gồm: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão.
Về kinh phí mua vắc xin tiêm phòng, ngân sách nhà nước đảm bảo 100% và thực hiện cơ chế như sau: Đối với các huyện miền núi: Ngân sách của tỉnh đảm bảo 90% và ngân sách huyện đảm bảo 10% kinh phí còn lại. Đối với huyện trung du, ngân sách của tỉnh đảm bảo 70% và ngân sách của huyện đảm bảo 30%. Đối với các huyện còn lại: Ngân sách của tỉnh đảm bảo 50% và ngân sách của huyện đảm bảo 50%. Đối với các thị xã: Ngân sách của tỉnh đảm bảo 40% và ngân sách thị xã đảm bảo 60%. Đối với TP Quy Nhơn, ngân sách của tỉnh đảm bảo 30% và ngân sách của thành phố đảm bảo 70%.
Kinh phí hỗ trợ đối với gia súc, gia cầm xảy ra rủi ro do tiêm phòng do ngân sách các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo. Trường hợp vượt quá nguồn dự phòng chi hằng năm của địa phương thì UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Kinh phí hỗ trợ điều tra dịch tễ, giám sát lưu hành mầm bệnh; kinh phí giám sát tiêm phòng và tiền công tiêm phòng cho 3 huyện miền núi do ngân sách tỉnh đảm bảo.
• Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nn&Ptnt):
Góp phần phát triển chăn nuôi bền vững
Nghị quyết làm cơ sở pháp lý cho UBND tỉnh chủ động tổ chức, chỉ đạo, bố trí, phân cấp kinh phí mua vắc xin tiêm phòng, kinh phí phục vụ công tác điều tra dịch tễ, giám sát lưu hành mầm bệnh, giám sát tiêm phòng, hỗ trợ rủi ro do tiêm phòng; phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật thuộc địa bàn quản lý. Góp phần duy trì khống chế tình hình dịch bệnh và phát huy hiệu quả phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững; nâng cao giá trị sản xuất chăn nuôi; đồng thời, tiết kiệm phần lớn kinh phí cho công tác tổ chức chống dịch.
• Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng Nn&Ptnt huyện Hoài Ân:
Đảm bảo người chăn nuôi yên tâm phát triển đàn
Mầm bệnh luôn tiềm ẩn trong môi trường và kết hợp với sự biến đổi của khí hậu làm cho tình hình dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Mặc khác, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan giữa động vật và người vẫn luôn đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc phòng chống dịch bệnh tại địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp, đặc biệt đi đầu là biện pháp tiêm phòng cho vật nuôi.
Nghị quyết tạo điều kiện hỗ trợ cho người chăn nuôi đủ điều kiện tiêm phòng và hiểu sâu hơn về lợi ích của việc tiêm phòng tốt cho đàn vật nuôi của mình. Việc triển khai, huy động nguồn nhân lực trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng chống dịch dễ dàng hơn; đồng thời, cũng giúp người chăn nuôi yên tâm hơn về các rủi ro xảy ra sau khi tiêm phòng đều được nhà nước hỗ trợ.
• Nông dân Huỳnh Xuân Vân, xã Ân Ðức, huyện Hoài Ân:
Mong Nghị quyết sớm được triển khai
HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về hỗ trợ tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân. Người chăn nuôi rất mong UBND tỉnh, Sở NN&PTNT nhanh chóng triển khai đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.
H.THU - N.HÂN - T.KHUY