Triển khai công tác tư pháp năm 2025
(BĐ) - Sáng 17.12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân đồng chủ trì. Dự hội nghị có Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: N.C
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 212 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 49 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 163 nhiệm vụ không có thời hạn, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Năm 2024, Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đồng thời điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội thông qua 28 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nhờ đó góp phần giảm thiểu tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng.
Đáng chú ý, kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2024 vượt chỉ tiêu được giao cả về việc và tiền, với mức đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, đã thi hành xong 620.657 việc với hơn 116.531 tỷ đồng, lần lượt tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) và 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so với cùng kỳ 2023.
Nguồn: BTV
Tại Bình Định, công tác tư pháp được triển khai toàn diện, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ Tư pháp, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật. Năm nay, HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 185 VBQPPL. Việc ban hành VBQPPL cơ bản đảm bảo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả.
Hội nghị đã quán triệt kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp vào ngày 7.11, đồng thời trao đổi về công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan trong triển khai công tác tư pháp; lắng nghe báo cáo kết quả, tình hình công tác tư pháp của một số địa phương và thảo luận về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tư pháp.
Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp phát động phong trào thi đua năm 2025 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành tư pháp đạt được trong năm 2024, đồng thời lưu ý một số hạn chế cần khắc phục như chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành còn chậm, tình trạng một số cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy việc xây dựng hệ thống pháp luật phải đáp ứng đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Thời gian tới, khối lượng công việc đặt ra cho ngành tư pháp hết sức nặng nề và yêu cầu Bộ Tư pháp triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng pháp luật thời gian tới phải gắn với sắp xếp, tinh giản bộ máy, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, kịp thời nhưng không được để sai sót và gián đoạn nền hành chính. Đối với các địa phương, cần quan tâm hơn nữa đến công tác tư pháp và vai trò đội ngũ người làm công tác tư pháp, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác tư pháp.
NGUYỄN CHƠN