Gần 60 nhà khoa học, nghiên cứu trong và ngoài nước dự VWM-2024
(BĐ) - Sáng 17.12, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức Hội thảo Khoa học Hiển vi Việt Nam 2024 (VWM-2024); thu hút gần 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh của gần 20 trường đại học, đơn vị nghiên cứu trong nước và các nhà khoa học hiển vi Việt Nam ở nước ngoài.
Các chủ đề chính của VWM-2024, gồm: Các kỹ thuật xử lý hình ảnh hiển vi tiên tiến (hiển vi huỳnh quang, hiển vi đồng tiêu, TEM, SEM, hiển vi điện tử lạnh, nhiễu xạ tán xạ điện tử ngược, AFM và xử lý ảnh hiển vi); ứng dụng kỹ thuật hiển vi trong khoa học sự sống và khoa học vật liệu; những tiến bộ trong kỹ thuật và công nghệ hiển vi.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: AN
PGS.TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức VWM-2024, trường ĐH Phenikaa, cho biết: Mọi người không thể khám phá được những gì diễn ra ở thế giới siêu vi mô như tương tác giữa các đại phân tử hay cấu trúc nano nếu không có sự hỗ trợ của các thiết bị nghiên cứu hiện đại, trong đó có các dòng kính hiển vi tiên tiến. Trên thế giới có nhiều nước đã có những hiệp hội hay hội khoa học hiển vi, họ thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo để chia sẻ những khám phá, kinh nghiệm nghiên cứu từ các thiết bị hiển vi tiên tiến. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua ở Việt Nam chưa tổ chức được hội thảo khoa học hay khóa đào tạo nào về hiển vi.
Do đó, VWM-2024 là cơ hội để các nhà khoa học hiển vi Việt Nam và thế hệ trẻ gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm về những khám phá của mình trong lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học vật liệu. VWM-2024 kỳ vọng là điểm khởi đầu để hình thành một cộng đồng các nhà khoa học hiển vi Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền khoa học và công nghệ trong nước trong những năm tới.
Tại Việt Nam, kính hiển vi được sử dụng rộng rãi trong bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu và nhà máy. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng tự học hoặc được đào tạo cơ bản từ nhà cung cấp, chưa có nhiều chương trình đào tạo chính quy về kỹ thuật hiển vi. VWM-2024 ra đời như diễn đàn khoa học nhằm kết nối các nhà nghiên cứu Việt Nam ở trong và ngoài nước về lĩnh vực hiển vi, hướng tới xây dựng, phát triển một cộng đồng nghiên cứu hiển vi vững mạnh.
AN NHIÊN