Tạo động lực để khoa học, công nghệ phát triển
Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về phát triển KHCN giai đoạn 2020 - 2025 đã tạo được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
TS Nguyễn Hữu Hà. Ảnh: T.LỢI
Phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với TS Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc Sở KH&CN, về những kết quả nổi bật cũng như khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình.
*Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình hành động, tỉnh đạt được những kết quả nổi bật nào trong việc phát triển KH&CN, thưa ông?
- Một trong những kết quả nổi bật là đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025, ước đạt 39,6% (mục tiêu đề ra là bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 38 - 42%). Tốc độ đổi mới công nghệ cũng tăng mạnh từ 7,5% năm 2020 lên 17,8% năm 2023 và dự báo năm 2024 đạt khoảng 17,3%, vượt chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó, tỉnh đã hình thành 12 DN KH&CN, vượt 20% so với mục tiêu.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ thương mại hóa 20 sản phẩm sáng tạo từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đạt 200% so với mục tiêu đề ra...
* Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo là những dự án quan trọng trong phát triển KHCN của tỉnh…
- Đúng vậy, Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo là những dự án trọng điểm, góp phần nâng tầm KHCN của Bình Định. Mới đây, tỉnh đã khởi công xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP Quy Nhơn, một bước đi quan trọng để thu hút các DN công nghệ cao, các chuyên gia và nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này. Mặc dù Đề án phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa chưa được Trung ương phê duyệt, nhưng chúng tôi đã nỗ lực kiến nghị và đang đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị, nhằm thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm vừa được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận DN KHCN. Ảnh: T.LỢI
* Để đạt được những thành tựu đáng kể, hẳn cũng trải qua không ít khó khăn, thách thức phải không, thưa ông?
- Như đã nói, Đề án phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án lớn, làm giảm sự thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực hấp thụ công nghệ trong các DN còn hạn chế, nhiều DN chưa đủ mạnh để tự đầu tư vào công nghệ tiên tiến. Đội ngũ nhân lực KHCN cũng thiếu chuyên gia đầu ngành và không đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển. Cuối cùng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Bình Định mặc dù có những tiến triển nhưng vẫn còn yếu và thiếu những ý tưởng đột phá để tạo ra sự khác biệt.
* Vậy tỉnh đã có những giải pháp gì để khắc phục?
- Đầu tiên, chúng tôi tiếp tục kiến nghị Trung ương phê duyệt Đề án phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa, nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghệ cao. Đồng thời, chúng tôi tăng cường hỗ trợ các DN trong việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, với 115 đề án/hơn 19,3 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bằng cách tổ chức các chương trình ươm tạo và đào tạo khởi nghiệp, kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học và các tập đoàn lớn như FPT để thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Về nhân lực, chúng tôi triển khai các chính sách thu hút chuyên gia và nhà khoa học đầu ngành vào làm việc tại tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và AI.
* Tác động của Chương trình hành động đối với các ngành chủ lực của tỉnh, đặc biệt là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ như thế nào, thưa ông?
- Chương trình hành động đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành chủ lực của tỉnh. Trong nông nghiệp, chúng tôi đã ứng dụng các công nghệ cao như AI, viễn thám và GIS trong việc dự báo sâu bệnh, khoanh vùng cảnh báo trượt lở đất, từ đó bảo vệ sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng vào nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó có phát triển giống mì sạch bệnh khảm lá.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các DN đã ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là trong các ngành vật liệu xây dựng và chế biến nông sản. Tỉnh cũng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu là Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định. Về dịch vụ, chuyển đổi số đã được đẩy mạnh với việc triển khai các dịch vụ thương mại điện tử và du lịch thông minh, trong đó đã hỗ trợ 40 DN xây dựng website thương mại điện tử, 35 DN áp dụng công nghệ QR code và blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, còn triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán và tư vấn điều trị bệnh, điển hình là hỗ trợ điều trị bệnh nám má tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa; phát triển các sản phẩm dược liệu từ cây thuốc địa phương như chè dây, hà thủ ô, đảng sâm, góp phần nâng cao giá trị ngành dược của tỉnh...
* Trong thời gian tới, tỉnh có kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy phát triển KHCN?
- Giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thiện và phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI trong các ngành công nghiệp chủ lực, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và tăng cường kết nối với các DN, viện nghiên cứu, trường đại học. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, hỗ trợ DN xây dựng nền tảng công nghệ số để nâng cao năng lực cạnh tranh. Những bước đi này sẽ giúp Bình Định tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)