Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia: Kênh truy xuất nguồn gốc sản phẩm tin cậy
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1.10.2024, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ và quản lý dữ liệu sản phẩm. Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 10 DN với 69 sản phẩm đăng ký vào hệ thống này.
Dễ dàng giám sát chất lượng hàng hóa
Ngày nay, việc người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trở thành một thói quen phổ biến. Việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) rất tiện lợi, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại quét mã là có thể biết ngay thông tin xuất xứ của từng sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện có quá nhiều ứng dụng TXNG khiến người tiêu dùng khó tra cứu thông tin sản phẩm đầy đủ và chính xác. DN cũng gặp khó trong việc lựa chọn giải pháp phù hợp do thiếu thống nhất về tiêu chuẩn. Nhiều ứng dụng chưa tuân thủ tiêu chuẩn của tổ chức mã vạch quốc tế GS1, dẫn đến tình trạng trùng lặp mã số và thiếu đồng bộ trong chia sẻ thông tin. Điều này càng trở nên phức tạp hơn khi một sản phẩm được hình thành từ nhiều khâu và nhiều vùng sản xuất khác nhau, gây khó khăn cho việc theo dõi, kiểm soát và kết nối dữ liệu.
Trước thực trạng này, ngày 19.1.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG. Trọng tâm của Đề án là việc xây dựng và vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (viết tắt là Cổng thông tin quốc gia). Cổng thông tin này được Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia triển khai, đóng vai trò như một nền tảng tổng hợp, kết nối các hệ thống TXNG trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ và quản lý dữ liệu sản phẩm. Hệ thống không chỉ giúp giám sát chất lượng hàng hóa mà còn tiếp nhận phản ánh từ người dân và DN. Đặc biệt, thông qua việc phân tích dữ liệu, cổng thông tin còn hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách kịp thời và hiệu quả.
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia, cho rằng: Việc triển khai đồng bộ hệ thống TXNG từ cấp trung ương đến địa phương sẽ mang lại nhiều lợi ích đột phá cho hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, quá trình số hóa các chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa sẽ giúp tối ưu hóa quy trình xuất khẩu, rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường và tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng quốc tế.
Sản phẩm xoài cát của ông Nguyễn Ngọc (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) đã kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Ảnh: H.G
Chìa khóa tiếp cận các thị trường
Tại Bình Định, tính tới thời điểm này, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Định đã hỗ trợ 10 DN, cơ sở kết nối với Cổng thông tin quốc gia như: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến Sào Tôn Thủy, Công ty TNHH Yến Quang, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân… Theo anh Phan Châu Hiệu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, việc áp dụng hệ thống TXNG giúp HTX minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc và quy trình sản xuất, từ đó tăng doanh số bán hàng và xây dựng được niềm tin vững chắc với người tiêu dùng.
- Hiện nay, đã có 17 địa phương trên cả nước với 4.406 DN và 4.520 sản phẩm tham gia kê khai TXNG tại Cổng thông tin quốc gia.
- Tra cứu thông tin theo địa chỉ: https://truyxuatnguongoc.gov.vn/trang-chu.html, người tiêu dùng chỉ cần nhập mã truy vết, mã GTIN, số lô đóng gói hoặc quét mã vạch để xem thông tin sản phẩm.
Ông Phan Ngọc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Định, cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, TXNG sản phẩm là yêu cầu thiết yếu, giúp minh bạch thông tin, xây dựng lòng tin thị trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Việc Bình Định kết nối Cổng thông tin quốc gia đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN, địa phương và người tiêu dùng.
Khi kết nối với Cổng thông tin quốc gia, người tiêu dùng có thể tra cứu tối thiểu 6 thông tin cơ bản về sản phẩm, bao gồm: Tên sản phẩm/hàng hóa, hình ảnh, thông tin nhà sản xuất/kinh doanh, thời gian sản xuất, thương hiệu hoặc số sê-ri sản phẩm, thời hạn sử dụng của sản phẩm. Từ đó, họ có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin để chấp nhận chi trả và lựa chọn sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu đầy đủ, chi tiết nhất và giảm thiểu sử dụng sản phẩm, hàng hóa giả, kém chất lượng.
Đối với DN, hệ thống này giúp kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, quản lý rủi ro và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt, với các mặt hàng xuất khẩu, việc minh bạch thông tin nguồn gốc là chìa khóa để tiếp cận các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản.
“Để triển khai Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, thời gian tới Chi cục sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức tuyên truyền, đào tạo về quản lý TXNG; hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng hệ thống, đặc biệt trong việc đăng ký mã số, mã vạch và giải pháp công nghệ; xây dựng mô hình điểm tại các đơn vị. Đồng thời, Chi cục sẽ kết nối DN với chính sách hỗ trợ theo Quyết định 90/2023/QĐ-UBND và phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về TXNG sản phẩm, hàng hóa theo quy định”, ông Ngọc Anh cho biết.
Việc tích cực tham gia vào Cổng thông tin quốc gia không chỉ góp phần nâng cao vị thế kinh tế của Bình Định mà còn mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm địa phương vươn tầm thị trường quốc tế. Đây được xem là bước đi chiến lược, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hàng hóa trong thời kỳ hội nhập.
HƯƠNG GIANG