Đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông và kinh tế số
Năm 2024, ngành TT&TT tỉnh đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng chú ý trong phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ số, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế số và xã hội số tại địa phương. Một trong những kết quả nổi bật là việc phủ sóng viễn thông toàn diện, giúp người dân ở mọi khu vực của tỉnh tiếp cận dịch vụ viễn thông chất lượng cao.
Phát triển hạ tầng viễn thông toàn diện
Nhấn mạnh nỗ lực của ngành trong việc phát triển hạ tầng số, viễn thông, chính quyền số và xã hội số, ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: “Ngành đã tập trung mở rộng hạ tầng viễn thông, bao gồm phủ sóng 3G, 4G và triển khai mạng 5G. Hiện nay, tỷ lệ phủ sóng 3G, 4G đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn và 99,9% tại các thôn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục khắc phục những khu vực chưa có sóng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa”.
Trong năm 2024, tỉnh đã xóa bỏ nhiều vùng lõm sóng, đồng thời phủ sóng mạng cáp quang băng rộng 100% các xã, phường, thị trấn và 99,2% các thôn. Đặc biệt, vào tháng 6, Viettel Bình Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm phát sóng 4G tại làng Canh Giao, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh), nơi trước đây thiếu sóng và không có điện lưới. Trạm 4G này, với chiều cao 18 m và thiết kế hai hướng phát sóng, giúp người dân nơi đây dễ dàng truy cập internet và liên lạc qua điện thoại.
Trưởng làng Canh Giao Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, bà con trong làng rất vui khi nguồn điện lưới quốc gia được nối vào cuối tháng 4 và chỉ sau 2 tháng, Viettel đã lắp đặt trạm 4G, giúp kết nối với thế giới bên ngoài. Trước đó, thiếu sóng và điện đã khiến việc kết nối trở nên vô cùng khó khăn.
Ngoài ra, các DN viễn thông đã tích cực chuyển đổi từ công nghệ 2G sang 4G, nâng cấp hơn 176 nghìn thiết bị di động và 41.000 SIM 2G, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Đặc biệt, hệ thống trạm thông tin di động đã được mở rộng lên 1.933 trạm, tăng 40 trạm so với năm 2023, trong đó có nhiều trạm 5G được triển khai tại các khu vực trung tâm huyện và thị xã.
Hiện nay, một số khu vực nhỏ như làng Canh Tiến, làng Kà Bưng, làng Cà Nâu (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) hay làng O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh)… vẫn chưa có kết nối cáp quang.
Người dân ở làng Canh Giao, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) sử dụng điện thoại thông minh truy cập internet. Ảnh: ĐVCC
Đầu tư công nghệ và ứng dụng thông minh
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng viễn thông, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ số. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được bảo trì và duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn thông tin và hỗ trợ các dịch vụ đô thị thông minh, hệ thống văn phòng điện tử và các trang thông tin điện tử. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã kết nối 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công hiệu quả.
Một trong những kết quả nổi bật là việc triển khai mô hình đài truyền thanh thông minh tại 138/155 xã trên địa bàn tỉnh. Đài truyền thanh thông minh hoạt động thông qua nền tảng số, giúp nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin và tiết kiệm chi phí vận hành. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VH&TT kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, nói: “Thị xã đã hoàn thành lắp đặt hệ thống đài truyền thanh thông minh tại tất cả 17 xã, phường. Trước đây, đài truyền thanh FM gặp nhiều hạn chế về chất lượng sóng và phải vận hành thủ công, nhưng với hệ thống đài thông minh, chúng tôi có thể quản lý từ xa qua máy tính hoặc điện thoại, giúp phát sóng nhanh chóng và chính xác hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực”.
Bên cạnh đó, đài truyền thanh thông minh còn có tính năng tự động chuyển văn bản thành giọng nói, với các tùy chọn về giọng đọc và tốc độ, giúp người dân dễ dàng tiếp nhận thông tin, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp như bão lũ.
Phát triển mạnh mẽ hạ tầng 5G và IoT
Trong giai đoạn sắp tới, ngành TT&TT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phủ sóng 5G và phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT), đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chia sẻ: “Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN viễn thông đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng 5G, mở rộng mạng di động và băng rộng cố định đến 100% các thôn, làng, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng IoT phục vụ các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và đô thị thông minh”.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ 5G tại cửa hàng Viettel Store (TP Quy Nhơn). Ảnh: T.LỢI
Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai các đề án quan trọng về công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an toàn - an ninh mạng, đáp ứng nhu cầu quản lý và bảo mật thông tin trong bối cảnh phát triển dịch vụ công. Đặc biệt, việc đồng bộ hóa và kết nối dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia và địa phương sẽ được đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phục vụ người dân.
Ông Phạm Tấn Tiến, Giám đốc Viettel Bình Định, thông tin: “Viettel đã đầu tư, nâng cấp 65 trạm BTS 5G tại TP Quy Nhơn và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới 5G tại các khu vực trung tâm của các huyện và thị xã trong năm 2025, mang lại cho người dân và DN trải nghiệm kết nối tốc độ cao và dịch vụ viễn thông hiện đại”.
Những nỗ lực phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ số và ứng dụng thông minh trong năm 2024 đã giúp Bình Định trở thành một trong những địa phương tiên phong trong phát triển kinh tế số và xã hội số ở khu vực miền Trung. Với chiến lược phát triển mạnh mẽ trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh đang từng bước xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững trong các lĩnh vực KT-XH.
TRỌNG LỢI