Chuẩn hóa quy hoạch, kiến trúc khu đô thị, khu dân cư
Sở Xây dựng đã xây dựng, ban hành Sổ tay Quy hoạch - Kiến trúc và được UBND tỉnh đồng ý thông qua, triển khai cho các địa phương làm cơ sở thực hiện. Ông Huỳnh Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Ông Huỳnh Ngọc Hoàng. Ảnh: M.H
* Ông có thể đánh giá về những kết quả thực hiện quy hoạch, kiến trúc các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư… tại tỉnh ta?
- Thực hiện Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, đến nay công tác quy hoạch đã được tỉnh quan tâm đúng mức và thực hiện đồng bộ ở các cấp độ quy hoạch, là cơ sở tiền đề để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư, chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng các khu chức năng, quản lý trật tự xây dựng, thu hút đầu tư.
Hệ thống quy hoạch của tỉnh đã được lập, phê duyệt đồng bộ ở các cấp độ: Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung các đô thị; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để triển khai các dự án.
Trên cơ sở đó, các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư từng bước được thực hiện triển khai theo quy hoạch được duyệt, tạo sự chuyển biến tích cực diện mạo không gian kiến trúc cảnh quan của các đô thị, vùng nông thôn; các dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư đã và đang được đầu tư xây dựng, diện mạo các đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và đã hình thành một số khu đô thị đẹp…
Dù vậy, cũng phải thừa nhận hiện nay công tác quản lý quy hoạch, nhất là khu vực nông thôn, các khu tái định cư còn nhiều hạn chế; thiếu chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; người dân chưa chú trọng đến kiến trúc công trình.
* Vậy, việc xây dựng Sổ tay Quy hoạch - Kiến trúc vừa được UBND tỉnh thông qua sẽ có tác động gì, thưa ông?
- Mục tiêu quan trọng là định hướng đưa các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư về một chuẩn mực chung, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho cư dân, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, xác định các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật tại đô thị, khu vực nông thôn khi đầu tư xây dựng mới để đảm bảo phát triển bền vững, có tính đến việc bố trí các hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm trong tương lai.
Các quy định về quy hoạch - kiến trúc được ban hành trên cơ sở hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ bản liên quan trong thiết kế quy hoạch, kiến trúc, đồng thời đề xuất nâng cao một số chỉ tiêu chính về giao thông, cây xanh, tổ chức công trình công cộng phục vụ người dân…
Các thông số kỹ thuật được nghiên cứu theo định hướng phát triển bền vững và lâu dài, hướng đến đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, yếu tố bản sắc riêng của từng khu vực.
Ngoài yếu tố về kỹ thuật, còn hướng đến các yêu cầu về thiết kế quy hoạch, kiến trúc nhằm phục vụ cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật, trẻ em, người lớn tuổi…
Đô thị loại III sẽ tập trung chuẩn hóa các chỉ tiêu quy hoạch về tỷ lệ đất giao thông; đất cây xanh/người; đất ở đô thị… - Trong ảnh: Một góc khu đô thị mới tại đô thị loại III - TX An Nhơn. Ảnh: DNCC
* Liệu có giải quyết được vấn đề bất cập như ông nêu ở trên, đặc biệt với những đô thị lớn đang chịu nhiều áp lực khi tiến trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, quá nóng, thưa ông?
Việc chuẩn hóa các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc trong Sổ tay Quy hoạch - Kiến trúc về cơ bản sẽ giải quyết các vấn đề về đô thị hóa đã nêu, nhưng mang tính định hướng và phải thực hiện từng bước, từng giai đoạn để phù hợp với từng thời điểm.
Định hướng chính là thực hiện mục tiêu “phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy” theo Quyết định số 3385/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó xác định 2 chỉ tiêu chính phải đạt được: Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt trên 16%; diện tích cây xanh đô thị bình quân đến năm 2030 đạt 10 m2/người.
Ngoài ra, còn cụ thể hóa những chỉ tiêu thành phần để đạt hướng phát triển đô thị hiện đại, thông minh. Qua đó, sẽ hình thành các khu đô thị giàu bản sắc, đặc trưng, từng bước khắc phục các vấn đề tồn tại, bất cập về đô thị hóa do phát triển “nóng” các khu đô thị, khu dân cư.
Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến các đô thị lớn (loại I, loại III) của tỉnh. Cụ thể, quy định rất rõ đô thị loại I chuẩn hóa các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc giúp nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông; bổ trợ, cải tạo chỉnh trang thêm các tiện ích xã hội cho các khu dân cư. Từ đó, định hướng đô thị phát triển bền vững thông qua việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy các cảnh quan cây xanh, thiên nhiên dọc biển, vùng lõi đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp và mang tính đặc trưng, có nét riêng so với các đô thị ven biển khác.
Đô thị loại III tập trung chuẩn hóa các chỉ tiêu quy hoạch về tỷ lệ đất giao thông, đất cây xanh/người, đất ở đô thị… Đồng thời, định hướng quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư để chính quyền địa phương chọn lọc áp dụng theo điều kiện thực tế, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không bị quá tải, giảm thiểu tác động của quá trình đô thị hóa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất một số định hướng riêng cho 4 nhóm đô thị của tỉnh: Nhóm đô thị ven biển; đồng bằng, trung du và miền núi để các địa phương tham khảo áp dụng theo địa hình đặc thù.
* Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)