Giảm rác thải nhựa từ những việc nhỏ nhất
Theo các chuyên gia về môi trường, các loại chai nhựa, túi ny lông sau khi sử dụng, thải bỏ và chôn lấp phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng xấu đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, hủy hoại sinh thái biển…
Nhưng các sản phẩm từ nhựa có đặc tính rẻ và tiện dụng nên được nhiều người ưa chuộng; khiến việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa ra khỏi cuộc sống sẽ rất khó. Do vậy, thay vì loại bỏ hoàn toàn, mỗi người hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa và tích cực tái chế, tái sử dụng đồ nhựa để cùng nhau bảo vệ môi trường (BVMT).
Chị Đặng Thị Thu Trang, ở phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Trước kia, tôi hay suy nghĩ vì sao người ta không làm thế này, thế nọ để BVMT. Nhưng sau đó nhận thấy, thay vì đòi hỏi mọi người thì bản thân mình phải thay đổi trước; rồi sau đó lan tỏa trong gia đình và những người ở gần mình”.
Nghĩ vậy nên chị Trang bắt đầu thay đổi dần thói quen trong việc hạn chế rác thải nhựa. Mỗi khi đi chợ, chị dùng giỏ xách đựng các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, quả…, hạn chế thấp nhất việc sử dụng túi ny lông. Những lúc bắt buộc phải dùng túi ny lông, sau khi sử dụng, chị Trang giặt sạch, phơi khô rồi gấp gọn để tái sử dụng. Chị Trang còn để pin thải các loại vào chai thủy tinh, gom được số lượng nhiều thì đem đến bỏ tại điểm thu gom pin cũ của phường để được xử lý đúng quy trình, hạn chế việc gây hại tới môi trường.
Tương tự, chị Lê Thị Phượng, ở phường Đập Đá (TX An Nhơn) cũng thay đổi thói quen từ những việc nhỏ và gần gũi hằng ngày để có thể góp phần BVMT. “Sau thời gian dùng chất thải thực phẩm ủ phân và hạn chế dùng túi ny lông, lượng rác thải của nhà tôi giảm rất nhiều. Tôi cảm thấy vui vì những việc làm nho nhỏ này đã góp phần giảm lượng rác thải của gia đình mình”, chị Phượng cho hay.
MINH NHÂN