Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Nhiều điểm mới cần quan tâm
Bộ GD&ÐT vừa công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới, áp dụng từ năm 2025. Với nhiều thay đổi quan trọng, quy chế tốt nghiệp mới không chỉ giảm áp lực thi cử cho học sinh mà còn hướng đến đánh giá toàn diện năng lực. Tuy nhiên, các điều chỉnh này cũng đặt ra những thách thức lớn đối với giáo viên, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục và chính học sinh.
Giảm số môn thi, không quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10
Theo quy định mới, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT 4 môn gồm Toán, Ngữ văn (bắt buộc) và 2 môn tự chọn, thay vì phải thi 6 môn như trước đây.
Ông Nguyễn Phước Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn), nhận định: “Việc giảm số môn thi giúp giảm tải áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu các trường phải duy trì giảng dạy toàn diện, tránh tình trạng học lệch”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều điểm mới.
- Trong ảnh: Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Em Trần Hà Vy, lớp 12A, Trường THPT chuyên Chu Văn An, chia sẻ: “Khi nhận được thông tin về quy chế mới, em cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi chỉ phải thi 4 môn. Nhưng em cũng lo lắng và cân nhắc thận trọng hơn, vì nếu chọn sai môn tự chọn thì sẽ khó đạt điểm cao, ảnh hưởng đến kết quả thi và xét tuyển đại học”.
Điểm đáng chú ý khác trong quy định mới là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không còn được quy đổi thành điểm 10 như trước đây, mà chỉ được sử dụng để miễn thi môn ngoại ngữ.
Nói về điều này, ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Thay đổi này là phù hợp, giúp giải quyết những bất cập trong đánh giá kết quả thi, khuyến khích học sinh tập trung học tập ngoại ngữ thực chất, không chạy theo chứng chỉ để được miễn thi một cách hình thức.
Một trong những điểm nổi bật nữa của quy chế mới là việc tăng tỷ lệ điểm học bạ từ 30% lên 50% khi xét tốt nghiệp, áp dụng cho cả 3 năm học lớp 10, 11 và 12. Nếu trước đây, tỷ lệ giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT là 30% và 70%, thì từ năm 2025 sẽ là 50% và 50%. Điều này cho thấy định hướng đổi mới giáo dục theo hướng đánh giá liên tục, tránh tình trạng học sinh ỷ lại và chỉ trông cậy vào kết quả thi tốt nghiệp. Việc giảm số môn thi và tăng tỷ lệ điểm học bạ khuyến khích học sinh học tập toàn diện, giảm áp lực của kỳ thi. Nhưng điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong giảng dạy, đánh giá quá trình học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 mang đến cơ hội để đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá. Học sinh cần chú trọng đến quá trình học tập thay vì chỉ tập trung vào kết quả thi.
Ông Nguyễn Đình Hùng nhìn nhận: Việc nâng tỷ lệ điểm học tập cả 3 năm học trong tính điểm xét tốt nghiệp THPT yêu cầu học sinh cố gắng và duy trì kết quả học tập đều đặn; nhà trường có giải pháp nâng cao, duy trì chất lượng giáo dục và tăng cường tính minh bạch trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Điều này sẽ là động lực để giáo dục phát triển toàn diện.
Cô Phạm Thị Ninh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), phụ trách giảng dạy môn Ngữ văn lớp 12, chia sẻ: “Quy chế mới yêu cầu cả giáo viên, học sinh nỗ lực nhiều hơn. Vì lấy điểm cả 3 năm học, nên ngay từ lớp 10, 11, các em học sinh đã phải nỗ lực từng ngày, tránh chủ quan, lơ là và phải kỷ luật hơn. Bên cạnh đó, việc dạy tích hợp đòi hỏi giáo viên phải nắm vững nhiều lĩnh vực; chú trọng công tác giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh ngay từ khi bước vào lớp 10 để đánh giá sát năng lực học tập của các em, tạo động lực học tập để các em có học bạ “đẹp”.
Kể từ năm 2025, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ quy định cộng điểm chứng chỉ nghề với tất cả thí sinh, bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Với quy định này, học sinh trường nghề cần chú tâm, nỗ lực nhiều hơn khi không còn điểm khuyến khích như trước.
Đối với các trường, quy chế mới là cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, đánh giá trong suốt năm học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn hạn chế, có thể khiến việc triển khai quy chế mới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo ông Hùng, trước mắt, căn cứ vào Quy chế thi và các đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố, các thầy cô giáo và nhà trường đã có thể có những định hướng, giải pháp phù hợp cho việc tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng, chính xác và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới đạt hiệu quả, các trường cần định hướng cho học sinh chọn môn tự chọn phù hợp với sở trường và xu hướng nghề nghiệp của các em; đầu tư cơ sở vật chất giảng dạy; nâng cao năng lực giáo viên… Có như vậy mới đạt được hiệu quả trong giai đoạn đổi mới này.
HỒ THỊ ĐIỂM