Gợi ý cách tối ưu CV xin việc để vượt qua vòng sàng lọc
Nếu bạn chưa biết cách tối ưu CV xin việc của mình hoặc chưa hiểu rõ về cách thức hoạt động của hệ thống sàng lọc, hồ sơ của bạn có thể bị loại bỏ trước khi đến được tay nhà tuyển dụng.
Hệ thống sàng lọc CV là gì và tại sao nó quan trọng đến vậy?
Thay vì mất hàng giờ để đọc từng hồ sơ như cách làm truyền thống, nhà tuyển dụng sẽ sử dụng hệ thống sàng lọc để tự động quét CV dựa vào các tiêu chí đã được thiết lập trong bản mô tả công việc như kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn. Nếu thông tin trong CV phù hợp với từ khóa và tiêu chí được cài đặt sẵn, hồ sơ đó sẽ được đánh giá cao và tiếp tục tiến trình phỏng vấn. Điều này giúp nhà tuyển dụng tăng độ chính xác trong việc đánh giá hồ sơ, nhanh chóng tìm ra những ứng viên phù hợp nhất với yêu cầu công việc, từ đó giảm tải công việc, giúp cho quá trình tuyển dụng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Làm thế nào để CV xin việc vượt qua hệ thống sàng lọc
Để vượt qua hệ thống sàng lọc, bên cạnh việc nhờ đến các công cụ tạo CV miễn phí, bạn cũng cần tối ưu hóa CV xin việc của mình một cách thông minh và phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống này. Quá trình tối ưu CV không chỉ dừng lại ở việc lồng ghép từ khóa mà còn bao gồm cách trình bày và thiết kế thông tin sao cho dễ dàng tiếp cận với bộ lọc tự động.
Sử dụng từ khóa phù hợp
Từ khóa chính là mắt xích quan trọng nhất giúp CV của bạn vượt qua hệ thống sàng lọc. Hệ thống này hoạt động dựa vào việc tìm kiếm và so sánh từ khóa trong CV với các tiêu chí từ bản mô tả công việc. Do đó, việc xác định và lồng ghép đúng từ khóa sẽ giúp bạn tăng cơ hội vượt qua vòng lọc hồ sơ tự động.
Để làm được điều này, bạn cần đọc kỹ mô tả công việc và tìm ra các từ khóa quan trọng liên quan đến kỹ năng, trình độ, công cụ và yêu cầu cụ thể trong thông tin tuyển dụng.
Ví dụ:
· Kỹ năng yêu cầu: kỹ năng lãnh đạo, quản lý dự án, thành thạo Excel...
· Bằng cấp, chứng chỉ cụ thể: Cử nhân Marketing, Chứng chỉ SEO...
· Công cụ và phần mềm: Canva, Photoshop, Microsoft Office...
Tiếp theo, bạn cần lồng ghép những từ khóa này vào các mục quan trọng như Kỹ năng, Kinh nghiệm làm việc, Mục tiêu nghề nghiệp. Lưu ý, tránh nhồi nhét từ khóa một cách máy móc, từ khóa nên được lồng ghép tự nhiên và có ý nghĩa trong ngữ cảnh công việc của bạn.
Ví dụ, thay vì viết “Có kinh nghiệm làm báo cáo doanh số”, bạn nên viết “Sử dụng Excel để phân tích và báo cáo doanh số theo tuần, tháng, từ đó tối ưu hóa chiến lược kinh doanh.”
Trình bày CV một cách rõ ràng, đơn giản
Hệ thống sàng lọc không thể đọc các định dạng CV phức tạp như hình ảnh, biểu đồ hoặc các phông chữ lạ. Do đó, cách trình bày CV của bạn cần đảm bảo sự rõ ràng, đơn giản nhưng vẫn chuyên nghiệp. Lời khuyên dành cho bạn là sử dụng các font chữ thông dụng như Times New Roman, Arial hay Calibri. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
· Trình bày thông tin theo cấu trúc đơn giản, rõ ràng và sắp xếp CV với các mục cơ bản: Kinh nghiệm làm việc, Học vấn, Kỹ năng, Mục tiêu nghề nghiệp.
· Tránh sử dụng các thiết kế quá cầu kỳ, các biểu tượng, hình ảnh và ký tự lạ vì hệ thống sàng lọc có thể không đọc được chúng.
· Lưu CV ở định dạng PDF hoặc theo yêu cầu của nhà tuyển dụng (nếu có).
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các phần mềm đọc văn bản để kiểm tra xem CV của mình có dễ đọc hay không, có gặp lỗi định dạng hay không. Nếu bạn thấy CV hiển thị rõ ràng, không lỗi chính tả và không có lỗi định dạng, CV của bạn đã sẵn sàng để chinh phục bộ lọc khắt khe của hệ thống sàng lọc.
Sử dụng tiêu đề thông dụng, dễ hiểu cho các mục thông tin
Hệ thống sàng lọc thường tìm kiếm thông tin qua các mục cụ thể trong CV như: Mục tiêu nghề nghiệp, Kinh nghiệm làm việc, Kỹ năng và Học vấn. Do đó, hãy đặt tiêu đề cho các mục trong CV của bạn bằng những cái tên tiêu chuẩn, thông dụng và dễ hiểu với tất cả mọi người và dĩ nhiên, dễ hiểu với cả máy móc. Thay vì đặt các tiêu đề quá mơ hồ hay quá hoa mỹ, bạn nên sử dụng các cụm từ phổ biến như:
· Work Experience (Kinh nghiệm làm việc).
· Career Objective (Mục tiêu nghề nghiệp).
· Education and Qualifications (Trình độ học vấn và bằng cấp).
· Skills (Kỹ năng).
Ngoài ra, việc sắp xếp các mục thông tin theo thứ tự ưu tiên cũng sẽ giúp hệ thống sàng lọc đánh giá thông tin của bạn một cách dễ dàng và chính xác hơn.
Đừng quên, việc tối ưu hóa CV xin việc theo hệ thống sàng lọc chỉ là bước đầu tiên trong quy trình tuyển dụng. Sau khi vượt qua bộ lọc khắt khe của hệ thống, CV của bạn sẽ đến tay một bộ lọc khắt khe hơn nữa, đó chính là nhà tuyển dụng. Lúc này, yếu tố con người mới thực sự đóng vai trò quyết định trong thành bại của bạn. Do đó, song song với việc tối ưu CV theo hệ thống sàng lọc, bạn luôn phải đảm bảo CV của mình được trình bày rõ ràng, mạch lạc, làm nổi bật những thành tựu và kết quả bạn đã đạt được trong công việc. Đó mới chính là “linh hồn” của một CV “bao đậu”.
Trang Đoàn