Cây súp lơ vàng bén rễ đất An Toàn
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão thực hiện mô hình trồng thâm canh cây súp lơ vàng theo hướng an toàn, với quy mô 500 m2, tại thôn 1, xã An Toàn.
Tham gia mô hình, chị Đinh Thị Ni Na được hỗ trợ 100% chi phí về giống, vôi, phân hữu cơ vi sinh và các vật tư thiết yếu, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình.
Chị Đinh Thị Ni Na phấn khởi với cây trồng mới. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Chị Na chia sẻ: Hầu hết bà con địa phương sinh sống bằng nghề trồng lúa, trồng mì..., đây là lần đầu tiên bà con làm quen với cây súp lơ vàng. Ban đầu, tôi rất bỡ ngỡ, không biết cách trồng, bón phân, chăm sóc, quản lý sâu bệnh..., nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông từ việc ươm cây con, trồng ra ruộng, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại… nên cây lớn nhanh, cho bông nhiều, ít bị sâu bệnh. Thực tế cho thấy cây súp lơ vàng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết ở đây, nếu mình chịu khó thì ai cũng trồng được.
Theo thực tế ghi nhận tại mô hình ở An Toàn, sau 60 ngày, cây súp lơ vàng sinh trưởng phát triển khá tốt, tỷ lệ sống sau trồng đạt 80%, trong đó tỷ lệ cây cho bông khi thu hoạch đạt 91%. Súp lơ vàng cho bông đều, chắc, chất lượng tốt, trọng lượng 250 - 350 g/bông, năng suất 350 kg/500 m2 (7 tấn/ha), lợi nhuận đạt 47,6 triệu đồng/ha.
Kỹ sư Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Kết quả triển khai cho thấy giống súp lơ vàng có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất đạt khá, phù hợp với điều kiện sinh thái tại xã An Toàn. Bên cạnh việc người dân có thêm lựa chọn cây trồng để đưa vào sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng, nếu được liên kết tiêu thụ, có định hướng trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, cây súp lơ vàng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nữa.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để giúp bà con các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn từng bước tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững.
THÀNH NGUYÊN