Báo chí cách mạng Bình Ðịnh trong dòng chảy trăm năm
Trong lịch sử gần trăm năm của báo chí cách mạng Việt Nam, những năm tháng cam go của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là giai đoạn đặc biệt. Trong giai đoạn này, báo chí cách mạng Bình Định trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Từ những tờ báo in thủ công đến các chòi phát thanh đơn sơ, từng bản tin, bài viết đều góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, khích lệ hậu phương và cổ vũ chiến đấu nơi tiền tuyến.
Nhiều tờ báo in ra đời từ thực tiễn kháng chiến
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), tỉnh Bình Định trong vùng tự do, hậu phương của Liên khu 5, nên có điều kiện xuất bản nhiều tờ báo, trong đó tờ Tin Tức là tờ báo chủ đạo của Đảng bộ và nhân dân Bình Định.
Ty Thông tin Bình Định xuất bản tờ Tin Tức, ra số báo đầu tiên vào ngày 22.1.1947 - ngày khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ nhất. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, tờ báo này tập trung tuyên truyền xây dựng tỉnh nhà vững mạnh, làm hậu phương cho chiến trường khu 5, huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến; đồng thời, ra sức chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng tự do Bình Định.
Báo Quyết Thắng số đặc biệt xuất bản năm 1975 đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh chỉ xuất bản một tờ báo là Báo Giải Phóng (ra số đầu tiên vào tháng 2.1961, từ năm 1965 đổi tên là Báo Quyết Thắng) tập trung tuyên truyền, cổ động toàn dân nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn đồng bằng; động viên quân và dân Bình Định nêu cao quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Số Báo Quyết Thắng cuối cùng là số đặc biệt ra ngày 2.9.1975, tuyên truyền chặng đường lịch sử 30 năm (1945 - 1975) đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn có nội san Hành Động (Đảng bộ tỉnh Bình Định); Báo Tây Sơn Quyết Thắng (cơ quan thông tin tuyên truyền tỉnh Bình Định); Báo Quân Giải Phóng (Tỉnh đội Bình Định); Báo Qui Nhơn (cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng Quy Nhơn); Báo Quyết Tiến (cơ quan thông tin tuyên truyền của huyện Hoài Nhơn). Tuy nhiên, các tờ báo này ra không định kỳ và liên tục như Báo Quyết Thắng.
Tháng 10.2024, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho dự thảo tập sách “Báo chí cách mạng tỉnh Bình Định - 90 năm hình thành và phát triển (1930 - 2020)”, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025).
Quan tâm đến dự hội thảo, ông Mai Ái Trực - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên phụ trách Báo Quyết Thắng, kể: “Đầu năm 1972, tôi về nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn Thị ủy Quy Nhơn, cũng phụ trách thực hiện tờ báo Qui Nhơn, tuy khổ nhỏ nhưng cũng có các tin, bài, chuyên mục xã luận… được lưu hành bí mật trong vùng địch kiểm soát ở TX Quy Nhơn. Năm 1973, tôi được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cử phụ trách Báo Quyết Thắng, thực hiện việc tập hợp tin tức, biên tập, có thông tin, đề tài gì thì mình viết luôn. Sau khi lên maket báo thì trình lên Thường trực Tỉnh ủy thông qua mới đưa đi nhà in”.
Tờ báo Qui Nhơn xuất bản năm 1972 đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong kho tư liệu của Bảo tàng tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập các tờ báo Tin Tức, Giải Phóng, Quyết Thắng, Quân Giải Phóng, Qui Nhơn. “Đây là những hiện vật giá trị, ngoài việc phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác thông tin tư liệu lịch sử, còn là những minh chứng cho đóng góp tuyên truyền hiệu quả của báo chí cách mạng ở Bình Định trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”, ông Tĩnh cho biết.
Những cột mốc của “báo nói”
Tháng 7.1946, Đài Tiếng nói Nam Bộ được thành lập tại tỉnh Quảng Ngãi, nhằm hỗ trợ công tác tuyên truyền cho Đài Tiếng nói Việt Nam, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt.
Đến năm 1948, Đài Tiếng nói Nam Bộ chuyển về huyện An Lão (tỉnh Bình Định) và đổi tên thành Đài Tiếng nói miền Nam, do Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ quản lý. Đài tập trung tuyên truyền các chỉ thị của Đảng và Chính phủ, thông tin chiến sự, bình luận vạch trần âm mưu của địch và cổ vũ tinh thần yêu nước, kêu gọi nhân dân đoàn kết, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhà báo Lệ Thu (quê huyện Tuy Phước), phóng viên Đài Phát thanh Giải Phóng (Hà Nội) đi tác nghiệp viết tin, bài tại huyện Phù Cát mùa hè năm 1974. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện nghe đài, các loại báo in đến được với người dân còn những khó khăn, hạn chế, đã có thêm mạng lưới chòi phát thanh tuyên truyền cách mạng ở cơ sở trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở mỗi thôn thường có một chòi phát thanh cao khoảng 5 - 6 m, làm từ tre, nứa và lá dừa. Nội dung các chòi phát thanh truyền tải qua loa là tin tức, chỉ thị từ Trung ương, tỉnh và tài liệu, tin tức từ báo in do Ty Thông tin Bình Định cung cấp.
Một nhân chứng sống về chòi phát thanh là ông Trần Văn Nhẫn (SN 1934), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Vào năm 1950 - 1951, khi đang học tại một trường cấp 2 ở thôn Vĩnh Trường (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), học sinh Trần Văn Nhẫn và một số bạn khác được nhà trường cử tham gia luân phiên trong tuần làm “phát thanh viên trên chòi” theo đề nghị của xã, nhằm hỗ trợ cho cán bộ thông tin địa phương.
Đã gần 75 năm, ông Nhẫn vẫn hào hứng khi nhắc về kỷ niệm: “Chòi phát thanh hoạt động vào buổi tối. Chúng tôi mỗi lần leo lên chòi cao rất hăng hái, bởi được đóng góp cho cách mạng, nên cố gắng tập đọc rõ ràng, truyền cảm nhiều nội dung thông tin về tình hình chiến sự, cùng các hoạt động gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất của người dân, trong đó phần lớn là tin tức trong tỉnh. Đông đảo bà con rất quan tâm lắng nghe”.
Ban biên soạn tập sách “Báo chí cách mạng tỉnh Bình Định - 90 năm hình thành và phát triển (1930 - 2020)” của Hội Nhà báo tỉnh đã nhìn nhận: “Chòi phát thanh có thể coi là “báo nói” tiền thân của ngành phát thanh tỉnh Bình Định”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy triển khai xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng Bình Định tại xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), do đồng chí Mai Ái Trực phụ trách. Đài bắt đầu hoạt động vào ngày kỷ niệm Quốc khánh 2.9.1974, thường phát sóng ba chương trình mỗi ngày, đồng thời tổ chức các tổ truyền thanh lưu động, mang tiếng nói cách mạng đến các vùng vừa giải phóng...
“Thông qua nhiều kênh báo chí ở Trung ương và địa phương, hoạt động báo chí ở tỉnh Bình Định đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng”, ông Mai Ái Trực khẳng định.
MAI THƯ