Nhiều kỳ vọng với giống mì HN1
Sau thời gian dài nghiên cứu công phu, giống mì HN1 được đưa vào thử nghiệm, cho thấy nhiều ưu điểm, nhất là trong đối phó với bệnh khảm lá mì - một trong những mối đe dọa lớn đối với sản xuất mì trong nhiều năm qua. TS Vũ Văn Khuê - Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và phát triển giống mì HN1, đã chia sẻ với Báo Bình Ðịnh về triển vọng của giống mì này.
• Thưa ông, đặc điểm nổi bật của giống HN1 so với các giống mì khác hiện nay là gì?
- Giống mì HN1 có nhiều đặc điểm vượt trội, đáng chú ý nhất là khả năng kháng bệnh khảm lá. Đây là đặc điểm nổi bật nhất, đặc biệt trong bối cảnh nhiều năm qua bệnh khảm lá đã làm giảm năng suất và chất lượng mì, trong khi việc phòng, trị bệnh gặp nhiều khó khăn.
Giống HN1 mở ra cơ hội phát triển mới cho cây mì Bình Định và miền Trung. Ảnh: T.LỢI
Thứ hai, giống mì HN1 có năng suất cao, thỏa mãn các điều kiện chất lượng của DN sử dụng mì làm nguyên liệu chế biến, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, giống này có thân thẳng, lóng ngắn và mắt dày, cây cao, rất thuận tiện để nhân giống và cung cấp lượng giống lớn cho sản xuất; đồng thời, giống này cũng rất phù hợp với công nghệ nhân giống hom 2 mắt, giúp tăng khả năng nhân giống gấp nhiều lần, từ đó đáp ứng nhu cầu thị trường sản xuất mì giống một cách nhanh chóng và hiệu quả.
• Mì HN1 được thử nghiệm và phát triển tại Bình Định như thế nào, thưa ông?
- Giống mì HN1 được đưa vào thử nghiệm tại Bình Định từ năm 2022, tại 3 địa phương gồm xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) và phường Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn). Mặc dù chỉ là giai đoạn thử nghiệm với diện tích nhỏ (150 m2/điểm), nhưng kết quả đạt được rất khả quan khi cho năng suất trung bình 34,4 tấn/ha và hàm lượng tinh bột từ 24,1 - 26,6%, vượt trội so với các giống mì cũ.
Dựa trên kết quả này, năm 2023, với công nghệ hom 2 mắt, chúng tôi nhân nhanh được khoảng 179 nghìn hom, đủ để trồng thử nghiệm trên 10 ha trong năm 2024. Kết quả năng suất trung bình đạt 36,7 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt từ 25,3 - 26,2% và lợi nhuận đạt trung bình 21,297 triệu đồng/ha. Đây là con số cực kỳ ấn tượng bởi các giống cũ, lợi nhuận chỉ ở mức khoảng 8 triệu đồng/ha.
• Vì sao Bình Định lại được chọn làm địa phương thử nghiệm giống mì HN1, và triển vọng của giống mì này đối với nông nghiệp Bình Định ra sao thưa ông?
- Bình Định là một trong những tỉnh có diện tích trồng mì lớn và đã đối mặt với vấn đề bệnh khảm lá từ năm 2020. Do đó, Sở NN&PTNT Bình Định đặt hàng nhiệm vụ KHCN để nghiên cứu lựa chọn giống mì kháng bệnh và biện pháp nhân nhanh giống mì sạch bệnh để giảm thiểu tác động của bệnh này đối với sản xuất.
Với những ưu điểm kể trên, chúng tôi tin rằng giống mì HN1 có thể giúp nông dân tăng năng suất, cải thiện thu nhập, đồng thời giúp các nhà máy chế biến tinh bột mì có nguồn nguyên liệu ổn định. Dự kiến, trong năm 2025, diện tích trồng mì HN1 sẽ mở rộng lên khoảng 120 ha và lợi nhuận từ việc trồng giống này có thể đạt trên 1,5 tỷ đồng.
Với khả năng thích ứng cực cao với điều kiện khí hậu và đất đai của Bình Định, giống mì HN1 sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của tỉnh trong việc tăng năng suất từ 28,3 tấn/ha (năm 2024) lên 33 tấn/ha vào năm 2030 nhờ thâm canh; tỉnh cũng có nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho các nhà máy, góp phần phát triển ngành xuất khẩu tinh bột mì của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện giống mì HN1 chưa hoàn tất thủ tục để tự công bố lưu hành, do đó chưa thể sản xuất và kinh doanh giống này trên diện rộng. Chúng tôi đang triển khai hoàn thiện hồ sơ để trình Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) xin tự công bố giống HN1.
Ngoài ra, việc nhân giống mì HN1 cũng gặp phải một số thách thức, do giống này cần quy trình nhân giống đặc biệt để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, với công nghệ nhân giống hom 2 mắt, chúng tôi đã thành công trong việc tăng hệ số nhân giống từ 8 cây lên tới 75 cây từ một cây gốc sau 11 tháng. Để thực hiện được điều này, chúng tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở, từ việc cung cấp giống, đào tạo kỹ thuật, đến phát triển cơ sở vật chất như nhà lưới và hệ thống tưới tiêu. Đồng thời, công tác tuyên truyền, đào tạo và tập huấn cho người dân về kỹ thuật canh tác giống mì HN1 cũng rất quan trọng.
• Thưa ông, vậy giống mì HN1 có thể phát triển rộng rãi tại các tỉnh miền Trung hay không?
- Mỗi tỉnh có những đặc thù về điều kiện sinh thái, khí hậu và tập quán canh tác khác nhau, do đó muốn trả lời câu hỏi này chúng tôi cần khảo nghiệm thử nghiệm theo từng khu vực, kết hợp với biện pháp canh tác phù hợp. Nếu có sự phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương và nông dân, giống mì này sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ và ổn định ở khu vực miền Trung.
• Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)