"Lỗ hổng"!?
Trong tuần qua, truyền thông trong cả nước “nóng” lên với sự kiện “nổi cộm” liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Đó là vụ xuất bản và lưu hành cuốn sách độc hại, phản văn hóa mang tên “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất của bốn nhà xuất bản trong nước.
Các thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua cho biết, đây là một cuốn từ điển được biên soạn rất cẩu thả, đã có cách đây gần nửa thế kỷ do tác giả tự xuất bản từ trước năm 1975 tại miền Nam, có nội dung cực kỳ “tào lao”. Tuy nhiên, từ hơn một chục năm qua cuốn sách “đen” này vẫn được nhiều nhà xuất bản thuộc vào hàng “có tên tuổi” trong nước tái bản đi, tái bản lại nhiều lần, và trên thực tế cuốn sách này đã được lưu hành rộng rãi trong cả nước.
Điều đáng nói là, cuốn từ điển có nội dung phản văn hóa này đã được lưu giữ trong Thư viện Quốc gia Việt Nam hơn 13 năm qua một cách đàng hoàng như mọi cuốn từ điển nghiêm túc khác. Cuốn từ điển này cũng được nhiều thế hệ học sinh và những độc giả khác sử dụng bình thường để học tập và tham khảo như mọi cuốn từ điển tử tế khác. Và trong suốt chừng ấy năm các nội dung độc hại, nhảm nhí trong cuốn từ điển này không hề được cơ quan chức năng phát hiện có sự bất thường(!). Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt và không khoan nhượng của giới truyền thông thì không biết ấn phẩm độc hại này còn tồn tại và gây hại đến bao giờ?
Chúng ta đều biết, trong lĩnh vực xuất bản sách phục vụ học tập và nghiên cứu, từ điển là loại ấn phẩm đặc biệt, có giá trị và độ tin cậy về mặt học thuật và tri thức rất cao. Do đó, để xuất bản một cuốn từ điển cần phải có sự thẩm định nội dung rất kỹ càng, nghiêm túc của hội đồng khoa học chuyên ngành. Việc “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” bị thu hồi là minh chứng rõ ràng về tình trạng bát nháo trong lĩnh vực xuất bản hiện nay. Rõ ràng, đã có những “lỗ hổng” trong cả một quy trình xuất bản, từ khâu quản lý, cấp phép xuất bản cho đến việc in ấn và phát hành.
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước là Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) đã ra quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn sách độc hại này trên toàn quốc. Đây là động thái cần thiết và không thể không làm để loại trừ một sản phẩm độc hại ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đình chỉ lưu hành, thu hồi thì chưa giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc và thỏa đáng. Vấn đề đặt ra là cần phải truy tận gốc, quy trách nhiệm cụ thể và có chế tài xử lý nghiêm, cả về mặt hành chính và tài chính đối với đối tượng có liên quan đến việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm độc hại.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực xuất bản, xây dựng quy trình cấp phép, kiểm duyệt thật chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật trong xuất bản, phát hành sách. Cụ thể là cần sớm bịt ngay các “lỗ hổng” trong quản lý để ngăn chặn triệt để vấn nạn in lậu, làm sách nhái, sách ăn cắp bản quyền, sách có nội dung không lành mạnh…, là những thứ có thể “đầu độc” đời sống tinh thần của toàn xã hội.
HẢI ĐĂNG