Xây nhà chống bão lụt
Mùa bão lụt đã bắt đầu đối với Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung. Khi bão lụt tràn về, “giặc nước”, “giặc gió” trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân, để lại hậu quả nặng nề cả về con người và tài sản. Hình ảnh những ngôi nhà bị bão lụt gây sập đổ, cuốn trôi hoặc ngập đến tận nóc; tính mạng, tài sản của người dân bị đe dọa đã làm nhói lòng bao người dân Việt Nam. Bởi vậy, từ lâu ý tưởng về ngôi nhà an toàn cho người dân vùng bão lụt luôn được ấp ủ ở những người có trách nhiệm.
Từ tháng 6.2012, Thủ tướng Chính phủ đã cho thí điểm hỗ trợ các hộ nghèo vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nâng cao nhà ở, ứng phó với lũ lụt. Sau gần 1 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ nhà ở chống lũ lụt cho 700 hộ gia đình với mô hình xây dựng có tính khả thi. Qua kiểm nghiệm thực tế của mùa mưa lũ vừa qua cho thấy, các hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống lũ lụt đã có nhà ở an toàn, an tâm sinh sống và lao động sản xuất.
Phát huy kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt tại khu vực miền Trung. Theo đó, sẽ có khoảng 40.000 hộ nghèo ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ từ 12-16 triệu đồng cho mỗi hộ nghèo xây nhà phòng, tránh bão lụt. Trong đó, năm 2014 thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng; năm 2015 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng; năm 2016 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng. Ngoài nguồn hỗ trợ ngân sách nhà nước, các hộ nghèo còn được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm.
Tuy nhiên, thời hạn từ nay đến cuối năm còn rất ngắn, để hoàn thành chỉ tiêu này, lãnh đạo các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai thực hiện. Phải xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; tổ chức tập huấn chính sách đến từng thôn, xã thuộc vùng được thụ hưởng chính sách; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt.
Cần sớm nghiên cứu các mẫu nhà điển hình phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của từng địa phương. Đặc biệt, nhà phải được làm đúng kỹ thuật mới chống được bão lụt, nhất là với các trận bão lụt lớn. Trên thực tế, thời gian qua việc xây dựng nhà ở vùng bão lụt miền Trung vẫn thiếu sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tính liên kết trong ngôi nhà không cao. Các bộ phận kết cấu cũng như bao che không chặt chẽ. Vì vậy, vấn đề mấu chốt trong xây dựng nhà cho vùng bão lụt miền Trung là phải tăng cường hướng dẫn, giám sát quá trình xây dựng. Theo các chuyên gia, cần áp dụng triệt để các giải pháp gia cố, xây dựng công trình theo mô thức tạo các lõi cứng phù hợp điều kiện kinh tế của người dân.
Bão lụt khu vực miền Trung trong những năm qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đồng thời gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Công sức lao động, tiền của để xây dựng nhà ở của người dân trong nhiều năm có thể bị tiêu hủy chỉ sau một trận bão lụt. Hằng năm, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện cứu trợ cho người dân bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra với kinh phí lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Bởi vậy việc hỗ trợ người dân xây nhà đủ sức chống bão lụt không chỉ giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân mà còn là cách tiết kiệm ngân sách phải bỏ ra để khắc phục hậu quả bão lụt; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và cả nước.
Ngọc Minh