“Khéo ăn thì no...”
Tuần này, Quốc hội thảo luận khá sâu và kỹ về tình hình ngân sách, nợ công của quốc gia. Đây là vấn đề lớn, không chỉ là chuyện quản lí, chi tiêu ngân sách của Chính phủ mà còn là mối quan tâm của mọi người dân. Thông tin chính thức của Chính phủ báo cáo Quốc hội là nợ công vẫn ở trong “ngưỡng” an toàn, chưa vượt trần đã được Quốc hội phê chuẩn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc đảm bảo không vượt trần quy định thì còn một vấn đề được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm không kém, nếu không muốn nói là đáng quan tâm hơn. Đó là việc chi tiêu tiền vay nợ ra sao, có đúng mục tiêu và hiệu quả hay không. Theo báo cáo của Chính phủ thì đây cũng là vấn đề được thực hiện tốt, tiền vay chủ yếu chi cho việc xây dựng và phát triển hạ tầng chứ không phải là chi thường xuyên.
Như vậy là cả mức thực hiện và cách thực chi tiêu ngân sách và vay nợ của Chính phủ là đúng quy định, đại biểu Quốc hội và cử tri có thể yên tâm là trong tầm kiểm soát, chưa đến mức nguy cấp “vỡ nợ” như dư luận chỗ này hay chỗ khác đã bày tỏ quan ngại.
Có lẽ chuyện chi tiêu của quốc gia cũng phần nào giống như chuyện chi tiêu trong một gia đình. Nếu khả năng tài chính chỉ có hạn thì việc vay mượn phải tính toán rất chi li. Chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn uống, học hành, chữa bệnh, áo quần… là phải hết sức tiết kiệm, phù hợp với nguồn thu nhập có thể có. Còn việc vay mượn thì chủ yếu dành cho việc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và phải tính toán rất kỹ khả năng sinh lời để trả được nợ và có tích lũy từng bước. Nếu nhà ai làm không ra mà cứ “hồn nhiên” vay nợ để chi tiêu hàng ngày thì chẳng mấy nỗi cũng sẽ đến hồi lâm vào cảnh “tán gia bại sản”.
Cũng từ thuở xa xưa ông bà ta đã dạy “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” để nhắc nhở việc quản lí chi tiêu trong từng gia đình, hay của mỗi người, cũng đều phải có sự tính toán hết sức cụ thể, phù hợp với khả năng và nhu cầu chính đáng. Các cụ cũng căn dặn “buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện” để nhắc nhở chuyện tiêu pha thế nào cho hợp lí. Chẳng hạn, nếu ai đó hoặc gia đình nào làm ăn có lời lãi lớn nhưng chi tiêu không tiết kiệm thì đồng tiền kiếm được rồi cũng tiêu tan, không có tích lũy bằng người khác có thu nhập ít hơn những biết cách chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Chuyện chi tiêu trong một gia đình đã như thế thì chuyện ngân sách, chuyện nợ công rõ ràng là chuyện lớn, chuyện đại sự của quốc gia. Thế nên việc chi tiêu thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả để đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân ngày càng no ấm là rất quan trọng. Hi vọng trong thời gian tới với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, việc chi tiêu ngân sách của quốc gia sẽ theo tinh thần “khéo ăn thì no…”!
H.Đ