Xóa “điệp khúc buồn”!
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ngày càng chiếm tỉ trọng nhỏ hơn trong cơ cấu của nền kinh tế nước ta, nhưng tỉ lệ dân cư lao động và sinh sống trong lĩnh vực này vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất.
Bên cạnh việc tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư, sản xuất nông nghiệp còn tạo ra lực lượng hàng hóa tham gia xuất khẩu rất lớn, nhiều loại nông sản xuất khẩu lên đến hàng chục tỉ đô-la Mỹ mỗi năm. Trong những năm qua, khi nền kinh tế trong nước gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thì sản xuất nông nghiệp đã trở thành “bà đỡ” góp phần quan trọng để nước ta giữ được sự ổn định cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so với nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực sản xuất chịu nhiều rủi ro do tác động khách quan vì năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của thời tiết, khí hậu. Mặt khác, thị trường tiêu thụ và giá cả bấp bênh cũng là một trở ngại lớn khiến nông dân luôn loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì và liên tục phải chạy theo xu hướng của thị trường.
Việc sản xuất luôn ở trong thế bị động, luôn phải chạy… “theo đuôi” thị trường như một giải pháp tình thế là một điểm yếu cố hữu của ngành nông nghiệp nước ta từ nhiều năm nay. Cái mà ai và ở đâu cũng thấy là nông dân ta cứ thấy trồng cây gì, nuôi con nào cho lợi nhuận cao trước mắt là sẵn sàng lao vào làm, bất chấp quy luật cung - cầu của thị trường và các yếu tố rủi ro có thể xảy đến, mà cái “điệp khúc buồn” muôn thuở “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là thực tế “nhãn tiền”.
Cái nguy hại lớn nhất là điều này không chỉ diễn ra với các loại cây trồng ngắn ngày như mì, mía, dưa, ớt… mà ngay cả các loại cây trồng dài ngày như cao su, cà phê, tiêu, điều…Thực tế đã cho thấy quá nhiều bài học phải trả giá đắt trong việc người nông dân cứ mãi chạy theo điệp khúc trồng - chặt, nuôi - bỏ. Thiệt hại xảy ra không chỉ trực tiếp cho chính họ mà còn là thiệt hại chung cho cả nền kinh tế(!).
Để khắc phục các mặt yếu kém nêu trên, không còn cách nào khác hơn là sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất của nông dân nói riêng cần phải đi theo hướng phát triển bền vững, có sự gắn kết chặt chẽ các khâu từ nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên hoàn một cách chủ động. Đặc biệt, cần áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến, công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng… Đây là các yếu tố cần và bắt buộc phải có để tạo nên các sản phẩm hàng hóa có uy tín về thương hiệu, có chỗ đứng bền vững trên thị trường để phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, nếu chỉ riêng người nông dân cứ làm ăn theo lối “đơn thương độc mã” và “tự bơi” như lâu nay thì sẽ rất khó để phát triển sản xuất bền vững. Họ cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ thiết thực về công nghệ, kỹ thuật từ các nhà khoa học, họ cần có sự định hướng của các cơ quan chức năng về sản xuất và thị trường, họ cần có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước và cần có sự hỗ trợ về vốn vay từ các tổ chức tín dụng… để sản xuất ổn định, chủ động và hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, việc giữ giá nông sản và tạo lập thị trường ổn định để bảo đảm thu nhập cho nông dân, để nông dân có thể yên tâm sản xuất lâu dài, ổn định là việc Nhà nước cần hết sức quan tâm và thực hiện thì mới bảo đảm cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững và xóa đi cái “điệp khúc buồn” muôn thuở đã nói ở trên.
Hải Đăng