Cách mạng Tháng Mười Nga - bước ngoặt lịch sử nhân loại
Sau thắng lợi Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của đảng Bônsêvích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã tiến hành xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đây là bước ngoặt to lớn đánh dấu CNXH từ lý luận trở thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười đã chứng minh trên thực tế những dự báo của C.Mác và Ph. Ăngghen về tính tất yếu của sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản là có cơ sở khoa học. Nó cũng mở ra cho nhân loại một xu hướng mới về xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái; đối lập với chế độ áp bức, bóc lột, bất công.
Từ một nước phát triển ở trình độ lạc hậu so với châu Âu đương thời, Liên bang XHCN Xô-viết đã nhanh chóng vươn lên trở thành một siêu cường. Những công tích vĩ đại mà Liên Xô đã đạt được trên mọi phương diện của đời sống xã hội và trong sự nghiệp cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai là một thực tế hào hùng không thể phủ nhận.
Cũng chính vì thế mà chỉ hơn 40 năm sau đó, CNXH hiện thực từ một nước đã phát triển thành một hệ thống thế giới, có mặt tại ba châu lục lớn là châu Âu, châu Á và châu Mỹ La tinh đã góp phần làm thay đổi cơ bản số phận của nhiều quốc gia, dân tộc, của hàng tỉ người trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại nhiều quốc gia đã thực sự được làm chủ đất nước, chế độ người bóc lột người từng bước được xóa bỏ; chủ nghĩa xã hội hiện thực đã góp phần quan trọng đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hủy diệt, đập tan hệ thống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc cho nhiều quốc gia, dân tộc; cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại các nước tư bản đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ… Chỉ tính riêng tại Liên Xô đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực: Về kinh tế, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới (sau Mỹ), sản lượng công nghiệp chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới, sản lượng điện đạt 440 tỉ KW (gấp hơn 300 lần so với năm 1913, bằng sản lượng 4 nước lớn là Anh, Pháp, Đức, Ý cộng lại), dầu mỏ đạt 353 triệu tấn, than 624 triệu tấn, thép 121 triệu tấn (vượt sản lượng của Mỹ); về khoa học kỹ thuật, năm 1957, là quốc gia đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo, năm 1961, phóng tàu vũ trụ đưa nhà du hành Gagarin bay vòng quanh Trái đất mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người…; về xã hội, năm 1971, giai cấp công nhân chiếm khoảng 55% tổng lao động xã hội, hơn 50% số người ở nông thôn có trình độ từ trung học trở lên, là nước hàng đầu thế giới về trình độ học vấn của nhân dân với 3/4 dân số có trình độ trung học trở lên, trên 30 triệu người làm việc trí óc… Đó hoàn toàn không phải là “giấc mơ” cũng chẳng phải là “thiên đường” mà đó là một hiện thực khách quan của lịch sử nhân loại.
Cho đến nay, mặc dù hệ thống XHCN hiện thực thế giới đã tan vỡ, nhưng không ai có thể phủ nhận sự tồn tại khách quan và những ưu việt của nó. Đặc biệt những thành công bước đầu nhưng hết sức quan trọng trong công cuộc cải cách, đổi mới ở các nước XHCN; tinh thần “CNXH thế kỷ XXI” ở các nước Mỹ La tinh… đang chứng minh cho lý tưởng XHCN vẫn có sức sống trường kỳ cùng nhân loại.
TRUNG NGÔN