Giá lên, giá xuống…!?
Dường như đã trở thành quy luật trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá là một lần giá cả các loại hàng hóa lại tăng theo. Thường thì sau khi giá xăng dầu tăng là giá cước vận tải được điều chỉnh tăng lên ngay lập tức. Lý do thì hết sức thuyết phục: chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu hình thành giá cước vận tải. Tương tự, các loại hàng hóa khác cũng đồng loạt lên giá để bù vào khoản giá cước vận tải tăng lên.
Tuy nhiên, hầu như với các đợt tăng giá như vậy thì mức tăng thường lớn hơn mức giá của xăng dầu trong cơ cấu giá thành. Và do đó, thường cứ sau mỗi lần xăng dầu tăng giá là thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước lại hình thành nên mặt bằng giá mới cao hơn mặt bằng cũ khá xa. Cái sự tăng giá cước vận tải cũng như giá hàng hóa theo giá xăng dầu được dân gian định danh là…“té nước theo mưa”! Và… cứ thế… cứ thế…
Thế nhưng, gần đây thị trường lại có diễn biến khác. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã điều chỉnh tăng 5 lần và giảm 9 lần; giá dầu diesel đã tăng 4 lần và giảm giá tới 15 lần. Và lần giảm giá xăng dầu mới nhất là từ 11 giờ ngày 7.11. Chuyện giá xăng dầu có số lần giảm nhiều hơn số lần tăng là điều rất đáng mừng cho sản xuất và đời sống, nhất là đối với ngành vận tải và các lĩnh vực khác sử dụng nhiều xăng dầu.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường cho thấy giá cước vận tải, vốn là loại giá chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu, lại chưa có biến động giảm tương ứng. thực tế này đã gây nhiều phản ứng bất bình trong dư luận xã hội. Trên thực tế, trước đây việc tăng giá cước vận tải, cũng như giá các loại hàng hóa khác, luôn được tính tới trong mối tương quan với giá xăng dầu mỗi khi giá tăng. Do đó, việc không điều chỉnh giảm cước vận tải, cũng như giá các loại hàng hóa khác, trong mối quan hệ với sự biến động của giá xăng dầu là không hợp lý, chính xác là không sòng phẳng với người tiêu dùng.
Được biết, trước thực trạng bất hợp lý này, ngày 6.11 Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát giá cước vận tải, giá cả các loại hàng hóa khác cho phù hợp với biến động chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào. Ngành tài chính cho rằng, trường hợp biến động của chi phí xăng dầu tác động làm giảm giá thành vận tải thì doanh nghiệp phải tính toán, kê khai lại cước, đặc biệt là với những doanh nghiệp đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng, dầu tăng giá trong năm nay. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Vào lúc này, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xử lý chuyện “giá lên, giá xuống”, điều mà dư luận mong muốn là trong thời gian tới đây các cơ quan chức năng sẽ có các giải pháp về mặt quản lý, điều hành và thiết lập nên một “luật chơi” sòng phẳng, minh bạch về việc điều tiết giá để bảo đảm có sự hợp lý, công bằng cho quyền lợi chính đáng của đông đảo người tiêu dùng!
HẢI ĐĂNG