Giá trị và sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin
Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu diễn ra cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 được coi là chấn động lớn nhất trong nền chính trị thế giới nửa cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác-Lênin bị thách thức nghiêm trọng từ cả hai phía bên ngoài và bên trong. Bên ngoài, đó là sự tấn công dồn dập của các học thuyết tư sản như chủ nghĩa tự do mới, quan điểm tân bảo thủ… Từ bên trong, các xu hướng xét lại, cả cấp tiến lẫn bảo thủ, cải lương lẫn thỏa hiệp… liên tục nổi lên, gây chia rẽ nội bộ các đảng cộng sản, các đảng XHCN và phong trào công nhân, trong khi chủ nghĩa Trotskyism, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, các quan điểm “tân Marxit”, “hậu Marxit”,… trổi dậy, gây xáo trộn mạnh về tư tưởng.
Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu không bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác-Lênin, mà trái lại, có nguyên nhân sâu xa và trực tiếp từ những sai lầm và vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin trên cả hai khía cạnh: máy móc, giáo điều và bóp méo xuyên tạc.
Thực tiễn thế giới, những năm tháng sau biến cố lịch sử đó đã chứng tỏ, chân lý thuộc về chủ nghĩa Mác-Lênin. Thành công của công cuộc cải cách ở hàng loạt các nước do Đảng cộng sản lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, như Đổi mới ở Việt Nam, cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cải cách kinh tế ở Lào, kết quả bước đầu của chính sách “cập nhật hóa mô hình kinh tế” ở Cuba,… đưa các nước này không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, là những bằng chứng rõ ràng về sự hồi sinh của chủ nghĩa Mác-Lênin. Cốt lõi của những thành công này là việc kết hợp hài hòa các quy luật của kinh tế thị trường với các nguyên lý của CNXH, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN với mở cửa và hội nhập quốc tế, giữa việc củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản với việc xây dựng nhà nước pháp quyền và dân chủ hóa xã hội. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện thực tiễn mới không phải là việc tân trang, cắt xén hay sửa đổi tùy tiện hệ thống lý luận này, mà là việc đổi mới nhận thức, tư duy lại một cách thấu đáo các nguyên lý Marxit - Lêninit trong tình hình mới, bổ sung và phát triển lý luận lên ngang tầm thời đại bằng những tinh hoa tri thức mới của nhân loại cũng như kinh nghiệm thực tiễn mới từ cuộc sống.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ trong gần hai thập niên qua của phong trào cánh tả ở nhiều nước Mỹ La tinh trong điều kiện o bế gắt gao của các thế lực tư bản và đế quốc là bằng chứng sống động về sự bền bỉ của lý tưởng XHCN. Cũng tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo sự suy thoái kinh tế toàn cầu “trăm năm mới có một lần” nổ ra đầu tiên tại Mỹ và các nước tư bản chủ nghĩa phát triển vào đầu năm 2008 một lần nữa lại cho thấy sức mạnh khoa học của học thuyết Mác-Lênin. Người ta lại tìm đọc những tác phẩm kinh điển đã viết ra cách đây hàng trăm năm để tìm câu trả lời cho những vấn đề hiện tại. Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ Michael Burawoy (2000) nhận xét, chủ nghĩa Mác-Lênin như chiếc boomerang - càng cố ném nó đi xa thì càng khiến nó mau quay trở lại vì cốt lõi của học thuyết này chính là sự phê phán sâu sắc nhất về CNTB.
Với tư cách là một thế giới quan và phương pháp luận khoa học, học thuyết Mác-Lênin vẫn không ngừng đổi mới và phát triển, còn với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của những người vô sản, chủ nghĩa Mác-Lênin đòi hỏi chúng ta phải luôn biết vận dụng sáng tạo để đi tới thành công.
TRUNG NGÔN