Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh được hình thành từ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tinh thần, ý thức ấy đã tạo nên sức mạnh vô địch của cả một dân tộc để chiến thắng mọi thiên tai địch họa, làm cho đất nước được trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững. Tư tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết dân tộc cũng được hình thành trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử…
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, nhất quán và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp lực lượng có thể tập hợp được, nhằm hình thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh với kẻ thù dân tộc.
Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng. Hồ Chí Minh đã nêu ra những luận điểm có tính chân lý:
“Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công”
Đại đoàn kết dân tộc không phải chỉ là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Như vậy, đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, là sự nghiệp của nhân dân, do dân, vì nhân dân, Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, chuyển những đòi hỏi khách quan, tự phát của nhân dân thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức, thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người.
Đại đoàn kết dân tộc không thể chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân. Nó phải biến sức mạnh vật chất thành lực lượng vật chất có tổ chức.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 84 năm qua đã chứng minh hùng hồn sức sống kỳ diệu và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Ngày 18.11.1930 thành lập Hội phản đế Đông Dương, rồi Mặt trận dân tộc, dân chủ, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dù thay đổi tên gọi để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn, nhưng đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng nhất bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Chính vì vậy Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng thời bổ sung vai trò của Mặt trận trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội.
TRUNG NGÔN