“Siết” kinh doanh vận tải
Từ ngày 1.12 tới đây, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chính thức có hiệu lực. Với những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn trước, Nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường quản lý, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động của lĩnh vực này trên địa bàn cả nước.
Chúng ta đều biết vận tải bằng ô tô đã, đang và sẽ còn chiếm thị phần vận tải rất lớn trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua việc ban hành và thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng hoạt động lộn xộn, chất lượng dịch vụ thấp, độ an toàn không cao… làm cho hiệu quả kinh tế - xã hội thấp. Các số liệu phân tích cho thấy chi phí vận tải ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực, rất cao so với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng dịch vụ tại các đơn vị khá lỏng lẻo, chất lượng của đội ngũ lái xe không đảm bảo cả về sức khỏe và trình độ tay nghề dẫn số vụ tai nạn giao thông cao, tình hình an toàn giao thông diễn biến phức tạp, hạ tầng giao thông nhanh chóng xuống cấp. Tình trạng “lách luật” hoạt động dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường vận tải cũng là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua.
Với việc ban hành Nghị định 86, những bất cập nêu trên sẽ được khắc phục một cách cơ bản. Nghị định quy định cụ thể hơn các điều kiện kinh doanh vận tải theo hướng tăng cường quản lý điều kiện về an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, như: tất cả các xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; khám sức khỏe định kỳ cho tài xế; tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử cho lái xe; quy định cụ thể về quy mô của đơn vị (doanh nghiệp, HTX) kinh doanh vận tải tuyến cố định… Nghị định cũng đưa ra những điều kiện cụ thể đối với xe đăng ký chạy hợp đồng nhằm quản lý chặt chẽ hành trình của loại xe này, chống tình trạng xe “dù” và xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định. Từ ngày 1.7.2015, loại xe chạy hợp đồng từ 10 hành khách trở lên trước khi thực hiện hợp đồng vận tải hành khách hoặc hợp đồng lữ hành thì phải thông báo đến Sở GT-VT các thông tin cơ bản của chuyến đi như: hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.
Điểm mới đáng chú ý nữa là, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn khi kinh doanh loại hình vận tải không đúng theo Giấy phép kinh doanh và trong thời gian một năm có trên 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây ra TNGT nghiêm trọng hoặc trong thời gian ba năm có tái phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, để xảy ra TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, từ ngày 1.7.2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, lái xe phải in hóa đơn tính tiền và giao cho khách hàng.
Một điểm mới đáng chú ý nữa là đặt trụ sở tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải có tối thiểu 20 xe. Riêng đối với các doanh nghiệp, HTX có trụ sở đóng tại các huyện nghèo phải có tối thiểu 5 đầu xe.
Những quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo Nghị định 86 là động thái hết sức cần thiết nhằm tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ vận tải ô tô, góp phần bảo đảm trật tự ATGT và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải ô tô phát triển bền vững. Hy vọng rằng với việc “siết” chặt nói trên hoạt động của lĩnh vực khá nóng bỏng này sẽ đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.
H.Đ