Một chính sách nhân văn
Hoạt động nghề cá của ngư dân trên biển luôn đối mặt với những rủi ro bất ngờ, rủi ro bất khả kháng do thời tiết diễn biến bất thường, các sự cố bất ngờ... Đối với ngư dân khai thác hải sản (KTHS) tại các vùng biển xa bờ thì mức độ rủi ro có thể lớn hơn. Bên cạnh các biện pháp chủ động phòng ngừa, việc mua bảo hiểm (BH) cho tài sản và con người trên các con tàu là rất cần thiết để ngư dân có thể giảm thiểu thiệt hại hay bù đắp một phần thiệt hại khi có rủi ro.
Tuy nhiên thực tế cho thấy còn rất nhiều ngư dân chưa chú ý đến chuyện mua BH, thậm chí không mặn mà với việc lo xa này. Chính vì vậy nhiều người đã trắng tay, mất sạch tài sản và thậm chí mang nợ chỉ sau một sự cố đắm tàu. Chỉ đến khi như vậy thì họ mới thấy rằng nếu mua BH thì mọi chuyên đâu đến nỗi. Từ thực tế này, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua BH cho tàu cá. Đây là một chính sách mang đậm tính nhân văn nhằm giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại, yên lòng tiếp tục vươn khơi bám biển nếu chẳng may gặp rủi ro trên biển.
Theo đó, các chủ tàu sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BH cho thân tàu, ngư lưới cụ và thuyền viên trên tàu. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua BH theo chính sách này là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển phục vụ cho khai thác xa bờ có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BH cho các tàu là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên, cụ thể: Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua BH tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua BH thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua BH đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua BH đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Kinh phí hỗ trợ được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách địa phương.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị triển khai chính sách BH phát triển thủy sản. Theo đó, BH phát triển thủy sản được thực hiện với mọi rủi ro, mức bồi thường cho các tổn thất về con người và tài sản phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản cao hơn nhiều so với các quy định trước đây. Cụ thể, trong BH tai nạn thuyền viên, mức trách nhiệm BH lên đến 70 triệu đồng/người/vụ tai nạn. Trong khi mức phí đóng là 300 ngàn đồng/người/năm. Như vậy, mức chi trả bồi thường rủi ro gấp hơn 230 lần mức phí BH. Tại Bình Định, Bảo hiểm PJICO là doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính chọn giao triển khai thực hiện công tác này.
Phát triển ngành kinh tế thủy sản và khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, chính sách hỗ trợ kinh phí mua BH cho tàu cá, BH thuyền viên nhằm tạo điều kiện và khuyến khích ngư dân yên tâm ra khơi bám biển làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, cũng góp phần khẳng định sự hiện diện chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ BH cho ngư dân, đưa chính sách đầy ý nghĩa nhân văn này sớm đi vào cuộc sống là trách nhiệm mà các cấp, ngành, địa phương có liên quan và bà con ngư dân cần thực hiện tốt.
HẢI ĐĂNG