Đảm bảo quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ
Ngày 16.6.2008, Bộ Chính trị (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đồng thời với việc coi “tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc” phải “tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ” và “phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”.
Từ sau khi có Nghị quyết 23 đến nay, nhiều hoạt động văn học nghệ thuật được tổ chức khá sôi nổi, phong phú; môi trường sáng tạo của văn nghệ sĩ đã được cải thiện. Trong không khí dân chủ, cởi mở nhiều tác phẩm mới, có giá trị cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật đã xuất hiện, cùng đó là việc xuất hiện những tài năng, đặc biệt là những tài năng văn nghệ trẻ. Các tác phẩm văn học có đủ cả cung bậc, màu sắc, mùi vị của cuộc sống: Mảnh đất lắm người nhiều ma, tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Tường, Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Chuyện nghề của Thủy của Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy…
Đã không còn những “vùng cấm” trong hoạt động sáng tạo văn nghệ đúng như trong bài viết của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng trên tờ Văn nghệ Trẻ: “Dường như là không có “vùng cấm” trong tiểu thuyết trẻ…”.
Không còn “vùng cấm” trong văn nghệ không có nghĩa là văn nghệ sĩ được tự do tuyệt đối. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, ở bất kỳ thời đại nào cũng thế. Mọi hoạt động văn học, nghệ thuật cần có sự quản lý; như mọi công dân, văn nghệ sĩ cũng là một công dân phải tuân thủ pháp luật. Là văn nghệ sĩ Việt Nam, tất cả đều tự do sáng tác, nhưng khi công bố tác phẩm, xuất bản tác phẩm đều phải tuân thủ Luật Xuất bản. Điều 10 của Luật quy định:
Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:
1. Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc;
2. Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
3. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
4. Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước mong muốn các văn nghệ sĩ phát huy cao độ trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ - chiến sĩ trước Nhân dân và Đất nước; hướng tới công chúng, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, mỗi tác phẩm phải là một thông điệp gắn bó với sự nghiệp cách mạng, hòa mình với nhân dân, với đất nước, nồng nàn với đời sống, thắm thiết niềm tin yêu con người, góp phần thúc đẩy phát triển văn học nước nhà, hình thành nhân cách con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
TRUNG NGÔN