NHÂN THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2014 (10.11 ĐẾN 10.12) VÀ NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS (1.12)
Phòng, chống HIV/AIDS: Thách thức từ thiếu kinh phí
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền
Trong nhiều khó khăn, thách thức mà công tác phòng, chống HIV/AIDS đang đối mặt, nổi bật có sự cắt giảm nghiêm trọng nguồn kinh phí. Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã trao đổi với phóng viên Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, trong giai đoạn 2012-2014, kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã giảm đáng kể theo từng năm. Năm 2012, tổng kinh phí là 3,425 tỉ đồng, năm 2013 giảm còn 2,551 tỉ đồng, đến năm 2014 chỉ còn 1,809 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương có mức giảm nghiêm trọng, từ 2,705 tỉ đồng năm 2012 chỉ còn 1,903 tỉ đồng năm 2013. Sang năm 2014, con số này giảm đến “chóng mặt”, chỉ còn 729 triệu đồng. Trước tình hình đó, nguồn ngân sách địa phương phải cố “gánh gồng”, nhưng vẫn không thể kéo nổi (ngân sách địa phương trong 3 năm qua lần lượt là 720 triệu- 648 triệu - 1,08 tỉ đồng).
● Nguồn kinh phí bị cắt giảm ào ạt như thế ắt hẳn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Cụ thể sự ảnh hưởng ấy là như thế nào, thưa ông?
- Đầu tiên, phải kể đến công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để thay đổi hành vi nguy cơ của nhiều nhóm đối tượng bị hạn chế đáng kể. Thiếu kinh phí, các ban, ngành, hội đoàn thể không tổ chức được các hoạt động phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, các mô hình truyền thông ở cấp xã như các câu lạc bộ, nhóm truyền thông, cùng các diễn đàn thanh niên đều “bất động”, làm giảm tính liên tục trong công tác tuyên truyền. Nguồn hỗ trợ cho nhân lực tuyến xã hạn chế, sự đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đó cũng giảm đáng kể. Hoạt động tiếp cận cộng đồng của các giáo dục viên đồng đẳng cũng không được duy trì thường xuyên, ảnh hưởng đến công tác can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS, như lượng bao cao su phát miễn phí giảm.
Đáng chú ý, theo dự báo của Trung ương, nguồn thuốc ARV sẽ không còn được cấp miễn phí trong thời gian tới. Rất khó để người mắc bệnh tự mua thuốc ARV điều trị liên tục. Người bị HIV điều trị không đúng phác đồ dễ dẫn đến AIDS, dễ lây lan ra cộng đồng.
● So với các thành phố lớn, các “điểm nóng”, tình hình HIV/AIDS ở tỉnh ta vẫn chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, công tác phòng, chống không vì thế mà có thể lơ là. Theo ông, phải làm gì để giảm ảnh hưởng từ sự thiếu hụt kinh phí trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS?
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 có chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”. Đây là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định) để kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, nếu nguồn kinh phí không được cải thiện, sẽ rất khó đạt được mục tiêu trên.
- Hiện nay, toàn tỉnh có 102 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV, con số không lớn so với nhiều địa phương khác, có tỉnh hiện điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Tình hình dịch HIV/AIDS của tỉnh hiện được khống chế, chưa thấy dấu hiệu tăng hoặc giảm rõ, bình quân hằng năm phát hiện mới 40-50 trường hợp nhiễm HIV. Dịch không chỉ tập trung trong nhóm nguy cơ cao ma túy, mại dâm mà nhiều đối tượng khác trong cộng đồng đều có người nhiễm HIV và có xu hướng tăng lên. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng tăng và tỉ lệ phụ nữ phát hiện nhiễm HIV ngày càng cao. Dịch đang còn trong giai đoạn tập trung, tuy nhiên vẫn có tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp phòng, chống tích cực.
Trước tình hình đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống HIV/AIDS, xem đây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, tổ chức triển khai, quản lý, chỉ đạo sâu sát, đầu tư thích đáng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Đồng thời huy động cộng đồng, phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống phòng, chống AIDS cần được nâng cao năng lực; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng, mở rộng độ bao phủ các hoạt động, đảm bảo nhiều đối tượng được tiếp cận thông tin, dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực kiến nghị lên cấp trên cải thiện mức hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ước tính nhu cầu kinh phí cho giai đoạn 2014-2020 là 46,23 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 32,361 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 13,869 tỉ đồng.
● Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)